Sau 10 năm mòn mỏi chờ lương hưu, ông Nguyễn Thái Sơn (ngụ P.15, Q.10, TP.HCM) vẫn không được giải quyết.
Ông Nguyễn Thái Sơn trình bày sự việc với phóng viên – Ảnh: Hải Nam
|
Đến khi ông Sơn làm đơn khiếu nại thì cơ quan bảo hiểm xã hội nói lỗi tại đơn vị sử dụng lao động, đơn vị sử dụng lao động lại đổ cho người lao động.
Theo trình bày của ông Sơn, từ năm 1990, ông được thuyên chuyển công tác từ Tạp chí Văn (thuộc Hội Nhà văn TP.HCM) về làm việc tại Nhà xuất bản (NXB) Lao Động, thuộc Tổng liên đoàn Lao động VN, với chức vụ Trưởng chi nhánh NXB Lao Động tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Đến năm 2005, ông nghỉ hưu.
“Họ đã làm gì với hồ sơ của tôi ?”
Thời gian đó, do ông chưa có hộ khẩu ổn định, chưa làm được sổ hưu nên ông xin được tạm thời chưa chuyển lương hưu về TP.HCM và đề nghị được chi trả tại Hà Nội. Sau đó, đại diện NXB Lao Động bảo ông chờ, rồi từ đó ông cũng không để ý đến chuyện này nữa dù chưa nhận được bất cứ chế độ nào.
Mãi đến năm 2010, khi ông đã có hộ khẩu ổn định, đồng thời do cuộc sống khó khăn, ông mới gọi cho đại diện NXB Lao Động hỏi thăm về lương hưu thì được nơi đây cho biết do giấy tờ của ông bị sai lệch về năm sinh nên chưa giải quyết và yêu cầu ông bổ sung giấy tờ điều chỉnh năm sinh cho đúng.
Ông Sơn cho biết do trước kia ông tham gia kháng chiến nên giấy tờ kê khai có sai sót về năm sinh. Sau khi NXB Lao Động yêu cầu ông bổ sung giấy tờ chứng minh năm sinh, ông đã về quê Nam Định trích lục khai sinh nộp cho NXB Lao Động. Tuy nhiên, NXB Lao Động lại tiếp tục bảo ông chờ. Nhiều lần ông liên lạc thì ở đây cho biết đã chuyển hồ sơ qua Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội.
Chờ mãi không được, tháng 11.2015, thông qua Báo Thanh Niên ông gửi đơn đến BHXH TP.Hà Nội đề nghị giải quyết trường hợp của mình. Ngày 23.11.2015, BHXH TP.Hà Nội trả lời với nội dung: “Tính đến thời điểm này, BHXH TP.Hà Nội chưa nhận được hồ sơ đề nghị của NXB Lao Động đối với việc điều chỉnh năm sinh của ông”.
Nhận được văn bản này, ông Sơn bức xúc: “Vậy lâu nay họ đã làm gì với hồ sơ của tôi? Liệu rằng họ có đóng BHXH cho tôi hay không trong khi những người nghỉ hưu cùng tôi đã nhận được lương từ lâu”.
Đẩy trách nhiệm qua lại
Trả lời Thanh Niên, bà Võ Thị Kim Thanh, Giám đốc NXB Lao Động, nói: “Không có chuyện cơ quan không đóng BHXH cho ông Sơn. NXB đóng BHXH đầy đủ cho ông Sơn và BHXH TP.Hà Nội đã cấp sổ cho ông Sơn từ 31.7.2012 với thời gian đóng BHXH bắt buộc đến năm 2006 là 40 năm 5 tháng”. Bà Thanh giải thích, do hồ sơ từ cơ quan cũ của ông Sơn chuyển về đều ghi năm sinh là 1945, nên trong sổ BHXH cũng ghi năm sinh như vậy. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác đều ghi sinh năm 1948 nên NXB yêu cầu ông Sơn bổ sung. Ông Sơn cũng không có CMND và giấy khai sinh nên phải làm lại. Đến năm 2015, các thủ tục đều đã hoàn thiện nhưng hồ sơ không được BHXH chấp nhận do không có giấy khai sinh gốc để đối chứng. “BHXH không giải quyết nên NXB đã đề nghị ông Sơn chuyển bản chính để cơ quan BHXH đối chứng nhưng ông Sơn không chịu vì sợ mất giấy tờ”, bà Thanh nói.
Trong khi đó, ông Sơn khẳng định đã nhiều lần nộp giấy tờ CMND, hộ khẩu… qua bưu điện cho NXB, thậm chí có lần ông ra Hà Nội tận tay đưa hồ sơ cho lãnh đạo NXB. Gần đây, vào tháng 11.2015, khi có giấy khai sinh, ông đã gửi bản sao (có chứng thực của cơ quan chức năng) cho NXB nhưng tại đây không chấp nhận và yêu cầu ông phải nộp bản chính. “Tôi chỉ còn 1 bản chính, nếu nộp vào thì lấy gì tôi sử dụng, mà bản sao có chứng thực không lẽ không có giá trị pháp lý”, ông Sơn bức xúc.
Bà Phương Thị Ninh, Trưởng phòng Cấp sổ, thẻ (BHXH TP.Hà Nội), trong cuộc trao đổi với PV ngày 28.1 cũng xác nhận: “Đến thời điểm này, hồ sơ của ông Sơn vẫn nằm ở NXB Lao Động. Do vậy, ý kiến của NXB cho rằng đã làm việc nhiều lần vẫn không được BHXH chấp nhận là không chính xác”. “Khi đã có hồ sơ chúng tôi mới giải quyết được, còn bây giờ trong tay chúng tôi không có gì thì rất khó”, bà Ninh nói.
Ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban Cấp sổ, thẻ (BHXH VN), cho biết theo quy định, trường hợp người lao động làm sổ BHXH mới chỉ cần giấy khai sinh hợp lệ có chứng thực. Riêng trường hợp đổi sổ, do thay giấy khai sinh phải mang giấy khai sinh bản gốc vừa được cấp lại đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục và đối chứng.
|
Nguồn: thanhnien.vn