Phóng to |
Khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu – Ảnh: DƯƠNG NGỌC |
Đó là con số được bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), công bố trong cuộc họp báo nhân Ngày bảo hiểm y tế VN 1-7 vừa tổ chức tại Hà Nội.
Do tên “khó đọc”
Dù sống ngay ở Hà Nội nhưng hai con của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Q.Cầu Giấy chưa bao giờ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Đồng nghiệp anh Hùng có con gái gần 1 tuổi, đến nay cũng chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Cái khó là hộ khẩu một nơi, cư trú một nơi nên các bé không có tên trong danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cả ở nơi cư trú lẫn nơi có hộ khẩu.
Không có cán bộ chuyên trách Theo ông Phạm Lương Sơn, hiện chưa có cán bộ chuyên trách cho công tác lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi, chuyển sang phòng lao động – thương binh và xã hội và cơ quan bảo hiểm, nhận lại thẻ và cấp phát cho trẻ em. Ông Sơn còn nói chưa có chi phí bồi dưỡng cho nhiệm vụ này. |
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN, cho hay dù Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 7-2009 và chính thức thực hiện từ tháng 1-2010, nhưng ngay tại Hà Nội đến tháng 10-2010 vẫn còn 400.000 trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Ở nhiều địa phương, do đặc thù dân tộc, vùng miền như trẻ em trai người Dao phải làm lễ cấp sắc mới có tên nên ít được cấp thẻ, trẻ em ở Tây Nguyên do tên “khó đọc”, nhiều trường hợp tên trên thẻ bảo hiểm y tế sai nên cũng không có thẻ.
Bà Tống Thị Song Hương lý giải tình trạng chậm chạp kể trên do chậm lập danh sách trẻ dưới 6 tuổi từ UBND các xã, phường. Nhiều xã, phường cứ 2-3 tháng mới lập danh sách các cháu mới sinh một lần gửi sang phòng lao động – thương binh và xã hội huyện, từ đó lại chuyển sang Bảo hiểm xã hội để in thẻ. Thẻ in xong lại chuyển về phòng lao động – thương binh và xã hội trước khi chuyển về xã, phường. Chỉ cần mỗi nơi chậm một tí, có khi trẻ 1 tuổi thẻ bảo hiểm y tế mới đến tay gia đình.
Khó thanh toán
Theo ông Phạm Lương Sơn, chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế không có nghĩa là trẻ em không được khám chữa bệnh theo quy định. Gia đình các cháu có thể mang giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận của UBND xã, phường đi khám chữa bệnh. Nhưng cái khó là cơ quan tài chính chỉ cấp tiền tính trên tổng số thẻ bảo hiểm y tế đã cấp, Bảo hiểm xã hội ứng tiền khám chữa bệnh nhưng chưa thu được tiền, thành ra ảnh hưởng đến quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ông Lê Văn Phúc, ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN, ước tính năm 2010 số lượt khám của trẻ em dưới 6 tuổi trên 15,3 triệu lượt, tổng chi phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi là 1.744 tỉ đồng. Chi phí đã ứng để khám chữa bệnh cho 20% số trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế lên tới khoảng 300 tỉ đồng. Đây là số chi phí thuộc diện “khó đòi”, do chính cơ quan bảo hiểm cũng không tách bạch được đâu là trẻ đã có thẻ bảo hiểm y tế, đâu là trẻ chưa có thẻ hoặc đã có thẻ nhưng chưa đến nhận và đã không sử dụng thẻ khi đi khám chữa bệnh.
Ông Phạm Lương Sơn thừa nhận nhóm trẻ em di cư, nhóm trẻ lang thang hoặc không có nơi cư trú ổn định là nhóm gặp khó khăn nhất khi không có thẻ bảo hiểm y tế mà phải đi khám chữa bệnh.
Theo ông Lê Văn Phúc, nên có quy trình lập danh sách, quy định thời gian phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi là chính sách văn minh, nhưng không thể để tình trạng trẻ gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh dù quy định là khám chữa bệnh miễn phí cho các cháu.
Nguồn: tuoitre.vn