Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và các bên liên quan sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo nghị định, trình Chính phủ chính sách giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho những người bị nợ đọng bảo hiểm xã hội này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, phó trưởng ban chính sách – pháp luật, Tổng LĐLĐVN, nhấn mạnh số tiền hỗ trợ từ nghị định đang được Chính phủ xây dựng để giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho người bị nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH).
200.000 người bị nợ bảo hiểm xã hội
* Việc người lao động bị nợ BHXH xuất phát từ đâu?
– Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH rất phức tạp, dai dẳng nhiều năm qua. Có những doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phá sản, giải thể, có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ BHXH dẫn tới quyền lợi của người lao động không được giải quyết.
Thời điểm cuối năm 2021, theo thống kê của BHXH Việt Nam, cả nước có khoảng 200.000 người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…
Đến nay một số đã quay trở lại tham gia BHXH, một số đã nghỉ hưu, số khác hưởng BHXH một lần, dẫn tới giờ chỉ giải quyết được chế độ hưu trí và tử tuất. Còn quyền lợi ngắn hạn như ốm đau, thai sản, không thể giải quyết được nữa.
Nợ BHXH có nhiều nguyên nhân. Đó là ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao của người sử dụng lao động. Chế tài xử phạt, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa răn đe. Tiếp đó là khó khăn thực sự khiến doanh nghiệp phá sản.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức công đoàn trong phát hiện kịp thời để xử lý, kiến nghị xử lý. Ví dụ, chủ tịch công đoàn cũng là người lao động nên khởi kiện chủ sử dụng lao động rất khó khăn. Công đoàn cấp trên cơ sở rất khó khởi kiện khi cần ủy quyền của người lao động.
* Vậy giải pháp nào để gỡ khó cho người lao động, thưa ông?
– Liên tục nhiều năm, trong các chương trình làm việc với Thủ tướng, Tổng LĐLĐVN đề nghị cơ chế giải quyết và cùng các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng nghị định giải quyết nợ đọng BHXH.
Có thời điểm các bên bàn bạc, đề xuất cho phép khoanh thời điểm doanh nghiệp nợ đóng để tiếp tục thực hiện chính sách BHXH cho người lao động. Ta cũng đề xuất người lao động nộp tính cả thời gian chậm, trốn đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng. Sau đó nếu tìm được chủ doanh nghiệp thì yêu cầu nộp bù lại, cộng cả thời gian thiếu.
Tuy nhiên qua tham khảo ý kiến của công nhân lao động, các cấp công đoàn, hầu hết mọi người rất bức xúc, bởi người lao động đã bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, nay bắt họ đóng lần nữa để hưởng chế độ là không thỏa đáng. Nhiều đại biểu Quốc hội, tổ chức công đoàn không đồng tình.
Kiến nghị quỹ dự phòng
* Vừa qua tổ chức công đoàn có kiến nghị cơ chế đặc thù người lao động bị nợ BHXH, cụ thể ra sao?
– Ngày 31-5-2024, Tổng LĐLĐVN có văn bản số 1364 kiến nghị cơ chế giải quyết quyền lợi cho người lao động theo hướng dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho người lao động bị nợ BHXH. Nguồn quỹ có thể được trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận đầu tư từ quỹ BHXH. Không nên quy định lựa chọn nộp số tiền chậm, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để được hưởng chế độ BHXH.
Sau đó nghị quyết 142/2024 trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trước ngày 1-7-2024.
Có nhiều ý kiến cho rằng lấy từ ngân sách, tiền xử phạt hoặc dự phòng quỹ BHXH nhưng thống nhất lấy kinh phí từ nguồn thu xử lý chậm, trốn đóng tại Luật BHXH 2014 và số tiền 0,03%/ngày thu theo quy định tại điều 40, 41 của Luật BHXH 2024. Đây là nguồn tài chính có gốc từ quỹ BHXH phục vụ các trường hợp phát sinh, phù hợp, nhân văn.
Ví dụ anh A đóng BHXH 15 năm, doanh nghiệp nợ 6 năm. Anh A đi làm thêm ở công ty khác 1 năm song BHXH ghi nhận 16 năm, trong đó có 15 năm trước đó và 1 năm sau này. Năm 2025, anh A đến tuổi nghỉ hưu. Hiện nay anh chỉ được chốt BHXH 16 năm, còn 5 năm bị nợ BHXH vẫn bị treo.
Ban đầu anh A phải đóng thêm 4 năm để đủ 20 năm đóng BHXH. Sau này chúng tôi đấu tranh để người lao động không phải đóng mà lấy từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng theo Luật BHXH 2014 và từ số tiền xử phạt chậm 0,03%/ngày ở Luật BHXH 2024. Như vậy anh A được giải quyết chế độ tổng cộng 21 năm để hưởng lương hưu.
* Bao giờ chúng ta sẽ có nghị định giải quyết cụ thể vấn đề nợ BHXH trên?
– Tổng LĐLĐVN đã đề xuất Chính phủ sớm thành lập ban soạn thảo bao gồm thành viên là các cơ quan liên quan của Chính phủ, Tổng LĐLĐVN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), BHXHVN để sớm ban hành nghị định. Nghị định nhằm quy định cụ thể đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động.
Tổng LĐLĐVN cũng nhiều lần đề xuất Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Chính phủ cơ chế giải quyết cho một số trường hợp đủ điều kiện chốt sổ BHXH thay vì không được giải quyết chế độ như trước. Công đoàn luôn mong muốn người hoàn thành nghĩa vụ đóng được ghi nhận thời gian doanh nghiệp nợ đóng BHXH.
Đề xuất cho phép công đoàn khởi kiện doanh nghiệp vi phạm
Chúng tôi đang đề xuất sửa Luật Công đoàn theo hướng cho phép công đoàn cấp trên chủ động khởi kiện khi phát hiện doanh nghiệp xâm phạm các quyền lợi của người lao động và chủ động, độc lập, giám sát, không phải chờ chương trình, kế hoạch của MTTQ. Tăng cường thực thi quyền, năng lực, trách nhiệm của từng cán bộ công đoàn.
Cơ quan nhà nước phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, răn đe doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH. Đặc biệt, Luật BHXH 2024 tăng cường tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động qua quy định một chương về quản lý thu, đóng BHXH, trong đó làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH để xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Công đoàn vẫn sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách về BHXH, duy trì việc làm, đào tạo nghề, tăng năng suất lao động.
Ông Lê Đình Quảng
Nguồn: tuoitre.vn