Phát biểu tại cuộc giao lưu trực tuyến về cải cách bảo hiểm xã hội do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức ngày 13-7, ông Doãn Mậu Diệp cho hay nhiều nước trong khu vực cũng đã đang trong lộ trình áp dụng tuổi nghỉ hưu mới.
Trong đó, Malaysia tuổi nghỉ hưu hiện hành là 60 tuổi với cả nam và nữ, sắp tới sẽ tăng lên 65. Indonesia tuổi nghỉ hưu hiện hành là 55 với nữ và 60 với nam cũng đang dự định là tăng lên 65 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của nhân viên Ngân hàng Thế giới hiện là 67 tuổi…
“Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế không cưỡng lại được. Việt Nam đang áp dụng tuổi nghỉ hưu hiện hành từ năm 1961, khi đó tuổi thọ trung bình rất thấp so với hiện nay. Thứ hai là xu thế già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai: năm 2000 số người bước vào độ tuổi lao động gấp 3,4 lần số người ra khỏi tuổi lao động, năm 2017 tỷ lệ này chỉ còn 1,4 và 2035 chỉ còn 1,2. Đây là ứng phó với xu thế chung, không phải do Quỹ bảo hiểm mất cân đối”- ông Diệp nói.
Đồng tình với thời điểm bắt đầu áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021, nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải có những phương án và lộ trình riêng cho các nhóm ngành nghề để không gây sốc. Nếu tăng thêm 6 tháng làm việc với người lao động khu vực hành chính sự nghiệp thì không có vấn đề gì lớn, nhưng với nhóm lao động trong các doanh nghiệp thì khá mệt mỏi.
“Nên lấy ý kiến người lao động ở các ngành nghề, xây dựng nhiều phương án khác nhau, lần trước sửa Luật Lao động nhưng không tăng tuổi nghỉ hưu do chỉ khảo sát ý kiến nhóm người làm việc ở khu vực hành chính sự nghiệp mà không lấy ý kiến người lao động các khu vực khác.
Hiện nay nhiều ý kiến phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng tôi cho là không vì ý kiến phản đối nhiều mà giữ tuổi nghỉ hưu hiện hành vì nghỉ ở độ tuổi này lương hưu thấp, người lao động vẫn tiếp tục làm các công việc khác để tăng thu nhập”- ông Lợi chia sẻ.
Ngoài ra, quy định hiện hành là tham gia bảo hiểm đủ 20 năm mới đủ điều kiện nghỉ hưu, nhưng ông Diệp cho hay tới đây điều kiện này sẽ thay đổi theo hướng giảm xuống còn 15 năm và tiến tới là còn 10 năm.
Người lao động 50 tuổi cũng có thể bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội và có thể đóng phí bảo hiểm bổ sung cho giai đoạn trước 50 tuổi để lương hưu cao hơn, không thể để tình trạng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng.
“Việc mở rộng độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là tạo thêm cơ hôi cho nhiều người tham gia bảo hiểm”- ông Lợi cho hay. Theo ông Lợi, hiện Hàn Quốc cũng đang áp dụng cho nghỉ hưu với người tham gia bảo hiểm xã hội đủ 10 năm.
Nguồn: tuoitre.vn