Đây là những kết quả sau hơn 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của BHXH Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
20/25 thủ tục hành chính được cung cấp trên dịch vụ công trực tuyến
Để giải quyết các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, hiện tất cả thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; Cổng dịch vụ công quốc gia; ứng dụng VssID – BHXH số; các tổ chức IVAN (tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH).
Đáng chú ý, có đến 20/25 thủ tục hành chính (chiếm 80%) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai thành công 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông gồm: đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.
Ngoài ra, có 3 dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện (tham gia mới; chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH); thanh toán viện phí.
Hiện 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên hệ thống giao dịch BHXH điện tử của BHXH Việt Nam. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam đã được số hóa (trả kết quả bản điện tử).
Khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD
Thực hiện mục tiêu từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật, BHXH Việt Nam đã cấp bản điện tử của sổ BHXH và thẻ BHYT; đồng thời hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID – BHXH số từ năm 2020 và từ ngày 1.6.2021 triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ khám chữa bệnh BHYT.
Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Với tiện ích này, người khám chữa bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.
Nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt.
Đến nay, toàn quốc có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.
Đặc biệt, ngày 22.3.2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.
Qua đó, dữ liệu của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được đồng bộ, cập nhật thường xuyên với CSDL về dân cư, giúp tăng cường hơn nữa độ chính xác, giúp chi trả đúng người; tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ.
Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.
Đồng bộ thông tin định danh của người thụ hưởng chính sách bảo hiểm
BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL này được đưa vào vận hành chính thức.
Tính đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.
Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư là cơ sở quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm, giúp nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia trong việc kê khai, hoàn thiện thủ tục.
Với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công an, BHXH Việt Nam đã kết nối kỹ thuật, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an cấp (tài khoản VNeID) để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số của ngành BHXH Việt Nam.
Theo thống kê trên hệ thống của BHXH Việt Nam, đến nay đã có hơn 10 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID – BHXH số.
Quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao. Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu được BHXH Việt Nam quản lý, vận hành tập trung tại trung tâm dữ liệu của ngành.
Nhằm phục vụ người dân trong công tác khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức hệ thống thông tin giám định BHYT, nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia ngày càng tốt hơn.
Hệ thống của BHXH Việt Nam đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hơn 621.000 đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm.
Nguồn: thanhnien.vn