Mua sắm quần áo tại hội chợ dành cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo trung ương cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công ngày 17-10, báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Trần Văn Lý – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN – cho biết từ năm 2004-2017, Chính phủ đã điều chỉnh tăng 9 lần mức lương cơ sở (áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp), từ 290.000 đồng lên 1,3 triệu đồng, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, “chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ”.
“Tiền lương chưa là nguồn thu nhập chính, chưa tạo động lực… và chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả” – ông Lý nói.
Với khối doanh nghiệp, ông Lý cho biết đến hết năm 2016 Việt Nam có trên 54 triệu lao động (từ 15 tuổi trở lên).
Theo kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động VN, tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp hiện đạt 4,48 triệu đồng/tháng (tăng 6,9% so với năm 2016). Thu nhập của người lao động trung bình là gần 5,5 triệu đồng/tháng.
Về giải pháp, Tổng liên đoàn Lao động VN cho rằng khu vực nhà nước cần sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở; chi trả tiền lương theo hướng có tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công việc; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp…
Với khu vực doanh nghiệp, cần sớm ban hành Luật tiền lương tối thiểu; cần xác định và công bố lộ trình tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương để người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân:
Mạnh dạn cho các đơn vị tự chủ, trả lương theo năng suất
Ông Lê Vĩnh Tân – Ảnh: BÁ SƠN
Để đảm bảo tăng thu nhập cho người lao động, để có thể trả họ “mức lương đủ sống” thì trước tiên phải tinh giản, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 là giảm đầu mối, giảm biên chế.
Đồng thời, cũng cần tính lại cơ chế tài chính, sắp xếp các đơn vị công lập trên tinh thần đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ, khuyến khích xã hội hóa đối với những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.
Việc tinh giản biên chế cần phải quyết liệt thực hiện, không sợ phản ứng của những người bị tinh giản.
Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chỉ thị về việc thực hiện tinh giản biên chế và trung ương đã có kết luận, yêu cầu các đơn vị phải cương quyết thực hiện. Sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu không thực hiện.
Hiện nay chúng tôi đang khảo sát các địa phương, đơn vị để xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị trung ương 7 sắp tới. Theo đó, sẽ có những đề xuất mới để khuyến khích được người lao động.
Có thể áp dụng việc trả lương theo năng suất, theo sản phẩm, mức thu nhập gắn với trách nhiệm của người lao động… chứ không “cào bằng” như thời gian qua và cứ tới niên hạn thì lên lương.
Chính sách mới cần khuyến khích những người có năng suất lao động cao sẽ được hưởng lương tốt hơn.
Cũng có một số ý kiến đề nghị chế độ ký hợp đồng đối với công chức. Đây là vấn đề mới, nhưng chúng ta cần nghiên cứu từng bước để thực hiện cho phù hợp, đảm bảo được quyền tự chủ của người sử dụng lao động.
Về băn khoăn cho rằng việc thực hiện trả lương theo năng suất liệu có khả thi, tôi cho rằng qua kinh nghiệm các đơn vị công lập đã tự chủ tài chính thì việc này có thể thực hiện được.
Với các đơn vị đã thực hiện tự chủ thì thu nhập của người lao động ở đó thường tăng lên gấp 1,5 – 2 lần.
Nếu các đơn vị được quyền chủ động thì họ sẽ làm được việc cắt bớt những lao động không cần thiết, qua đó dành nguồn lực để tăng thu nhập cho những người làm việc hiệu quả.
BÁ SƠN ghi
Nguồn: tuoitre.vn