Tranh thủ đầu giờ sáng, chị Đỗ Thị Việt Hà, cán bộ thu – sổ thẻ Bảo hiểm xã hội TP Phúc Yên, cùng một cán bộ bảo hiểm xã hội khác của Bảo hiểm xã hội TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc đến nhà một số gia đình “tiềm năng” tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hôm nay, các chị tới nhà ông Lê Văn Trường, lao động tự do, trên địa bàn.
‘Đi từng ngõ, gõ từng nhà’ để tăng số người tham gia
“Nhiều người dân chưa hiểu hết tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nên còn tâm lý e dè, đề phòng. Do vậy, chúng tôi xác định đi từng ngõ, gõ từng nhà, để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế” – chị Việt Hà vừa đi vừa kể.
Trong suốt 1 giờ, các cán bộ phân tích rõ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế, người thân nhận tiền tuất nếu bản thân qua đời.
Sau buổi tư vấn thứ hai, ông Trường chọn đóng bảo hiểm xã hội và vận động một số người quen đóng bảo hiểm. Theo chia sẻ của ông, dù người có thu nhập tốt song chưa hiểu rõ về chính sách nên giờ mới tham gia lưới an sinh này.
“Tôi đóng tự nguyện ở mức 3 triệu đồng/tháng để sau này có lương hưu, không phụ thuộc vào con cháu”, ông Trường bày tỏ.
Để hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nghị quyết 03/2020 ngày 17-10-2020 hỗ trợ người dân bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm tự nguyện như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng khác được hỗ trợ từ 10 – 30% mức đóng hằng tháng theo hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Qua đó, hết tháng 11-2023, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 96% kế hoạch, tương ứng khoảng 249.000 người lao động đã tham gia lưới an sinh xã hội.
Hà Nội: Hiệu quả từ mô hình 1-1
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, ngành đang triển khai hiệu quả mô hình 1-1 (một cán bộ, một người dân). Nắm được đặc thù thủ đô có nhiều lao động tự do, bán hàng linh hoạt thời gian, cán bộ tận dụng lúc người dân đi chợ, sinh hoạt tổ dân phố để tỉ tê, tâm sự, thuyết phục tham gia bảo hiểm.
Thêm nữa, Hà Nội khuyến khích hỗ trợ người dân đóng bảo hiểm tự nguyện, tặng sổ cho trường hợp khó khăn… Do vậy, hết tháng 11-2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ước đạt trên 86.000 người, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hết tháng 11-2023, cả nước có trên 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số tham gia tự nguyện đã trên 1,5 triệu người, tăng gần 9% so với năm trước.
Cơ quan này nêu rõ để hấp dẫn người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, lương hưu liên tục được tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, người đóng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ mức đóng nếu thuộc hộ nghèo…
Ngày 11-12, tại cuộc họp lãnh đạo ngành mở rộng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã đề nghị toàn ngành triển khai chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời phát huy các mô hình hay, tăng số người đóng bảo hiểm, đảm bảo đúng kế hoạch năm 2023.
Đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp gia đình
Ông Nguyễn Hải Đạt – chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam – cho rằng cần có thêm các chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đó là mở rộng nhóm tham gia bảo hiểm xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, người đóng chưa đủ năm bảo hiểm được hưởng hưu trí xã hội. Đặc biệt bảo hiểm tự nguyện bổ sung chế độ thai.
Về lâu dài, Việt Nam cần có trợ cấp gia đình, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng…
Nguồn: tuoitre.vn