Từ 15-10, Hà Nội dừng phát hành thẻ bảo hiểm y tế giấy
Theo tin tức từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, từ ngày 15-10, cơ quan này sẽ dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy, chuyển đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) như hiện nay.
Thay vào đó, người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp được gia hạn thẻ trên hệ thống và tiếp tục dùng mã số cũ. Người có thẻ bảo hiểm y tế giấy được cấp trước đó vẫn có thể dùng khi khám chữa bệnh bình thường.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đã chấp nhận hình ảnh thẻ trên ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chip. Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế trên VssID, ứng dụng VNeID, căn cước công dân gắn chip, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trường hợp thắc mắc, cần hướng dẫn, người dân có thể gọi đường dây nóng 024.3723.6555 hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất. Những người có yêu cầu, cơ quan này vẫn cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy, đảm bảo thuận lợi nhất. Hiện, cả nước có trên 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 92% dân số.
TP.HCM đổi mới buýt để hút hành khách đi lại, giảm ùn tắc
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Thông tin về giao thông công cộng bằng phương tiện xe buýt” cho sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.
Theo đại diện trung tâm, đơn vị chuẩn bị nhiều kế hoạch vận động học sinh – sinh viên sử dụng xe buýt đi lại hằng ngày. Điều này góp phần giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả. Ngoài ra, TP.HCM phát triển mạng lưới buýt sông, xe buýt 2 tầng và khuyến khích sinh viên trải nghiệm.
Hiện nay, hệ thống thẻ vé điện tử, ứng dụng Go!Bus trên điện thoại cũng đang được đầu tư phát triển. Học sinh – sinh viên, người dân cài đặt ứng dụng Go!Bus trên điện thoại chỉ cần vào đây sẽ nắm được mạng lưới tuyến, lộ trình tuyến… thuận tiện lựa chọn, lên đúng trạm gần nhất.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng triển khai đổi mới phương tiện, trạm dừng, thêm tuyến buýt điện… để thu hút hành khách đi xe buýt.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện kiểm tra, giám sát hoạt động hiến, ghép tạng
Ngày 13-10, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản về việc rà soát, tăng cường công tác hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Theo đó, nhằm tăng cường thực hiện hiến, ghép tạng theo đúng quy định pháp luật, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện có giường bệnh, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành… tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hiến, ghép tạng để quản lý, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời nếu có sai phạm.
Đối với giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh triển khai hoạt động hiến, ghép tạng, bộ yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các khoa, phòng, đơn vị, nhân viên trong cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các quy định về hiến, ghép tạng.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời hoạt động tại cơ sở và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu có vi phạm. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng đã kêu gọi mọi người dân thành phố chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hiến, ghép tạng.
Đối với người thân, gia đình có nhu cầu hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín của thành phố để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục pháp lý.
9 tháng xuất khẩu 1,266 triệu tấn cà phê
Tin tức từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỉ USD, giảm 7,3% về lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trong 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo tính toán, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỉ USD, nghĩa là sẽ vẫn lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch nhờ tăng 200 triệu USD so với kim ngạch kỷ lục của năm 2022.
Xuất khẩu quế tăng nhưng giá xuất giảm mạnh
Theo tin tức từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lũy tiến từ 1-1 đến 30-9, Việt Nam xuất khẩu được 67.503 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 199,8 triệu USD, tăng 20,3% về lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu quế trung bình 9 tháng đầu năm 2023 đạt 2.960 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất Việt Nam, đạt 30.195 tấn, tăng 28,3% và chiếm 44,7% thị phần. Tiếp theo là Mỹ 7.532 tấn, tăng 2,9%, chiếm 11,2% thị phần; Bangladesh 4.630 tấn, tăng 33,5%, chiếm 6,9% thị phần…
Nguồn: tuoitre.vn