Có bạn đọc đề xuất cần bỏ trần mức đóng bảo hiểm xã hội, đóng theo thu nhập thực tế để hưởng lương hưu cao hơn.
Quy định “trần đóng” bảo hiểm xã hội nên lương hưu thấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết trước đây có một số trường hợp tại đơn vị ngoài quốc doanh, đơn vị FDI đóng bảo hiểm xã hội dựa trên lương 200 – 300 triệu đồng/tháng dẫn tới lương hưu rất cao.
Việc này gây bất bình đẳng, mất công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, cơ quan chức năng đã ra quy định “trần đóng”.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực, quy định nêu rõ mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu hoặc lương cơ sở (từ 1-7 là 1,8 triệu đồng).
Trong khi đó, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online mong muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn nhưng không được vì vướng quy định “trần đóng”. Vì thế, đề xuất cơ quan hữu quan cần nghiên cứu xem xét bỏ mức khung trần đóng bảo hiểm xã hội, để lương hưu đủ sống.
Bạn đọc Trần Lý Minh chia sẻ: “Tôi thấy việc thực hiện chính sách như vậy rõ ràng có sự bất cập. Bởi vì có rất nhiều người muốn đóng bảo hiểm nhiều hơn theo mức thu nhập họ nhận (để về hưu có lương hưu cao hơn) nhưng không được chấp nhận”.
Bạn đọc Coptiger thắc mắc: “Tại sao lại phải giới hạn nhỉ? Những ai thu nhập cao thì họ xứng đáng lương hưu cao, chứ không thể cào bằng được”.
Vì thế, bạn đọc quoc****@gmail.com bày tỏ: “Có đóng có hưởng, anh đóng nhiều thì anh hưởng nhiều là quy luật thôi, không nên khống chế”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Hoang Ha có ý kiến: “Người ta làm khu vực tư nhân lương cao, đóng bảo hiểm ở mức cao thì khi về hưu hưởng lương hưu cao là bình thường và hợp lý thôi”.
Không thể cào bằng lương hưu
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 4-2023 cả nước có 471 người hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Nhiều nhất là mức hưởng từ 20 – 30 triệu đồng/tháng với 382 trường hợp.
Các trường hợp trên đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Bình luận về thông tin trên, bạn đọc Lưu Chí Phương bày tỏ: “Người ta đóng nhiều thì hưởng nhiều là tất nhiên. Nhưng cả nước chỉ hơn 470 người hưởng lương hưu hơn 20 triệu đồng thì quá ít đi”.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Hương đặt vấn đề: “Cả nước chỉ có một người hưởng lương hưu 124 triệu đồng/tháng là quá ít so với nước ngoài”.
Khảo sát nhanh qua Thăm dò ý kiến trên Tuổi Trẻ Online, có gần 40 bạn đọc ủng hộ phương án bỏ mức trần đóng bảo hiểm xã hội, đóng theo thu nhập thực tế để có lương hưu cao hơn. Hơn 10 ý kiến không đồng ý với phương án này.
Bạn đọc Đoàn Hòa viết: “Khi mức lương giữa khu vực công và tư còn chênh nhau quá nhiều thì việc khống chế trần đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp, tránh việc người nhận lương hưu quá cao, người quá thấp, trong khi sức lao động bỏ ra là như nhau”.
Nhưng bạn đọc Ktran phản bác: “Tôi nhận lương hưu cao thì tiền đóng bảo hiểm cũng cao theo. Đóng nhiều hưởng nhiều. Bạn thấy bất công ở chỗ nào? Giữa một chủ tịch lèo lái cả một doanh nghiệp thì sức lao động có giống nhau với một anh nhân viên không? Không nên có tư tưởng cào bằng như vậy”.
Thăm dò ý kiến
Quy định hiện nay khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu hoặc lương cơ sở. Nhiều người mong muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn để hưởng lương hưu tốt hơn. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Nguồn: tuoitre.vn