Công nhân sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh – Ảnh: GIA ĐOÀN
Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, qua thống kê tại 44 tỉnh thành, có khoảng 472.000 người (chiếm 65,54% tổng số được khảo sát) bị ảnh hưởng tới việc làm. Trong đó, 41.558 người bị mất việc. Đặc biệt, gần 30.300 người bị thôi việc là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá câu chuyện cắt giảm việc làm chủ yếu ở doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… Nguyên nhân do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng từ nước ngoài, chi phí đầu vào tăng cao, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Công đoàn Việt Nam dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm đến quý 1-2023, thậm chí là quý 2-2023, dẫn tới nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm. Kéo theo đó, cuộc sống nhiều công nhân bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút.
“Sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động. Doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn”, báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.
Về tình hình ngừng việc tập thể, Công đoàn Việt Nam cho biết đến nay cả nước có 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ 2021, tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Nguyên nhân chính vẫn do người lao động giảm thu nhập, doanh nghiệp chưa tăng lương, thậm chí cắt giảm phụ cấp, trợ cấp. Cá biệt một số doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Phan Văn Anh – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn nắm chắc tình hình, chủ động đề nghị doanh nghiệp sớm có phương án nghỉ Tết Nguyên đán, trả lương, thưởng cho lao động dịp cuối năm.
Đồng thời, công đoàn cần chủ động thương lượng với doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc nhằm hạn chế thấp nhất số người mất việc, nhất là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, có hoàn cảnh khó khăn…
“Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp”, ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Ngày 26-10 vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Mức hỗ trợ đoàn viên lao động có hoàn cảnh khó khăn không thấp hơn 500.000 đồng/người. Dự kiến kinh phí của gói này khoảng 500 tỉ đồng. Công đoàn cơ sở được khuyến khích chi cao hơn bằng tiền mặt hoặc hiện vật.
Nguồn: tuoitre.vn