Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết – Ảnh: Duyên Phan
Cụ thể, người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.
Các đơn vị rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi các đơn vị sử dụng lao động rà soát, điều chỉnh lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng.
Chậm nhất đến ngày 25-7-2022, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo lương tối thiểu vùng mới (nếu có).
Quá thời hạn trên mà đơn vị chưa điều chỉnh, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp bằng mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất cho đến khi đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết các chế độ khi đơn vị thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh lương tối thiểu vùng đúng quy định trên.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội TP, kể từ 1-7-2022, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp mức đóng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Bảo hiểm xã hội cũng đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng hướng dẫn trên đây để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Mọi trường hợp chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ của người lao động đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nguồn: tuoitre.vn