Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình – Ảnh: HÀ QUÂN
“Lao động tự do không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên dễ tổn thương, thiệt thòi hơn cả khi hàng quán đóng – mở liên tục, nhất là lao động ngoại tỉnh”.
* Ông đánh giá đời sống người lao động như thế nào trong bối cảnh các địa phương tăng giảm liên tục cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế?
Trong bối cảnh bình thường mới, mỗi khi số lượng ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng lên là các địa phương sẽ tăng cấp độ dịch. Đời sống lao động tự do, các cơ sở cung cấp dịch vụ đời sống, doanh nghiệp vừa và nhỏ lập tức bị ảnh hưởng.
Một phần là do thị trường phi chính thức (không có quan hệ lao động) xen lẫn với khu dân cư, hoạt động văn hóa xã hội nên công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Ngược lại, lao động có quan hệ lao động và doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động, phục hồi nhanh do quy chế phòng chống dịch tương đối tốt và độc lập, biệt lập với khu dân cư.
Lao động tự do là lực lượng chính, cung cấp dịch vụ đời sống, thiết yếu nhưng thị trường co lại, bó lại, thậm chí là dừng hoạt động thì dịch vụ đời sống ách tắc, chi phí xã hội tăng lên. Họ tập trung ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, có thể làm cắt tóc, làm nail, phục vụ quán cà phê, bưng bê ở quán bia…
Dịch vụ đời sống là liên thông, một hệ thống thống nhất chứ không phải phân chia theo địa giới hành chính cơ học nên hiệu quả việc khoanh “vùng xanh, vùng đỏ” như hiện nay còn hạn chế. Hệ quả là người dân dồn từ quận này sang quận khác. Điều này gây bất tiện cho người dân, gây khó khăn cho chủ cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống…
* Như vậy, giải pháp khắc phục vấn đề hiện nay là gì, thưa ông?
Chúng ta cần nghiên cứu phương án phòng dịch, cấp độ dịch, ra quyết định đóng hay mở cửa nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… hợp lý để các cơ sở đó được phục hồi, hoạt động tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 hơn là cấm các cơ sở đó hoạt động.
Hiện, hệ thống dịch vụ đời sống cũng như ngành du lịch bị tổn thương rất nặng nề. Nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm cấm không hoạt động thì sẽ đến lúc hệ thống đó bị vỡ, dẫn tới thời gian dài phục hồi.
Dễ nhận thấy nhất là người lao động mất việc làm, thị trường lao động bị tổn thương nặng, lao động từ lĩnh vực này chuyển sang lĩnh vực khác, mai một kỹ năng nghề… Lâu dài, tổ chức thị trường chịu ảnh hưởng.
Như ở Hà Nội, nhà hàng chỉ cần không mở cửa là ảnh hưởng đến mọi người trong xã hội, kể cả lao động chính thức như công chức, công nhân. Thanh niên thiếu nơi vui chơi, các công ty thiếu nơi giao lưu, hội họp… Có những quận ở Hà Nội yêu cầu đóng cửa nhà hàng, tuy nhiên ngay tuyến phố bên cạnh (quận khác) thì được mở cửa.
* Để hỗ trợ lao động tự do, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn ra sao, thưa ông?
Lao động tự do về quê thì trách nhiệm của các trung tâm dịch vụ việc làm là tập trung giới thiệu việc trên địa bàn, Quỹ vốn vay quốc gia về việc làm sẽ hỗ trợ cho vay…
Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã có chương trình phục hồi thị trường lao động nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội chung của Chính phủ với nhiều giải pháp hỗ trợ lao động tự do.
Chẳng hạn, bộ đề nghị nhiều cơ quan chuyên môn nghiên cứu chính sách hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh sinh hoạt phí tối thiểu, những chi phí như đi lại, y tế và hỗ trợ thêm cho lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai.
Đồng thời có phương án hỗ trợ sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc để ổn định cuộc sống, tạo động lực cống hiến…
Các địa phương cần hỗ trợ thêm cho thị trường trong dịch chuyển lao động, kết nối cung cầu nhất là khi chiến lược phòng dịch của chúng ta đã chuyển sang bình thường mới, thị trường lao động đang phục hồi nhanh.
Ví dụ, lao động từ Bắc vào Nam gặp khó khăn thì cần hỗ trợ cho người dân. Người lao động cũng rất mong muốn đi làm qua giai đoạn dài ở nhà, kinh tế của họ trở nên khó khăn hơn do tích lũy giảm dần.
Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng đề nghị các địa phương chú ý quan tâm hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không để ai không có Tết.
* Cảm ơn ông!
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức (lao động tự do) là 19,8 triệu người, giảm 628.000 người, trong khi số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm khoảng 469.000 người so với năm 2020.
Nguồn: tuoitre.vn