Gần 300 đại diện các doanh nghiệp tham gia đối thoại với lãnh đạo TP.HCM về chính sách bảo hiểm – Ảnh: BÔNG MAI
Tuổi Trẻ Online xin trích dẫn một số hỏi – đáp giữa doanh nghiệp và lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM như sau:
Hỏi: Trường hợp người lao động nam có vợ sinh con thiếu tháng. Bé phải nằm lồng kính tại bệnh viện trên 2 tháng. Vậy lao động nam có được nghỉ việc 5-7 ngày làm việc do cơ quan BHXH chi trả không? (Công ty TNHH nước đóng tinh khiết Sài Gòn)
Trả lời: Đơn vị căn cứ vào thông tin mà lao động nam cung cấp về ngày sinh của bé, trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con để quyết định cho lao động nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định.
Sau khi bé xuất viện có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì nộp cho cơ quan BHXH để thanh toán tiền trợ cấp của những ngày nghỉ việc hưởng BHXH của lao động nam.
Hỏi: Người lao động nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Khoảng thời gian này công ty và người lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nếu sau này người lao động thôi việc, công ty có phải chi trả khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian trên hay không? (CTCP Appliancz Việt Nam)
Trả lời: Điều 8 Nghị định 145/2020/ND-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Trong đó, tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH…
Đại diện doanh nghiệp trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thanh (phó giám đốc BHXH TP.HCM) cuối hội thảo – Ảnh: BÔNG MAI
Hỏi: Người lao động làm việc từ 1999 đến 2005 được công ty trả lương và đóng BHXH bằng USD, dự kiến nghỉ hưu vào tháng 11-2021. Vậy tỉ giá USD/VND áp dụng để tính lương đóng BHXH trong thời gian nêu trên như thế nào? (Công ty CP KAME)
Trả lời: Căn cứ điều 26 Nghị định 115/2015/ND-CP ngày 11-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, mặc dù công ty đóng BHXH bằng USD nhưng lương hưu vẫn được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bằng tiền Việt, tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 1999 đến 2005 được chuyển đổi theo tỉ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 2-1 cho 6 tháng đầu năm, và ngày 1-7 cho 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật BHXH.
Hỏi: Công việc giặt – tẩy quần áo, kiểm gấp trong dây chuyền dệt may có được xác nhận là lao động nặng nhọc, độc hại thuộc ngành dệt may không? (Công ty CP dệt may ĐT-TM Thành Công)
Trả lời: Việc quy định về chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đơn vị gửi hồ sơ báo cáo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét và hướng dẫn.
Trường hợp các ngành nghề của đơn vị chưa nằm trong danh mục, công ty làm công văn đến đơn vị chủ quản yêu cầu bổ sung chức danh nghề nặng nhọc độc hại gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo đúng quy định.
Sau khi chức danh, công việc được Bộ này công nhận thuộc nhóm độc hại, đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH đang quản lý để thu và giải quyết chế độ BHXH theo quy định.
Nguồn: tuoitre.vn