Người dân đăng ký khám bệnh có BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông báo mới của Bảo hiểm xã hội (BHXH), bệnh nhân tỉnh không cần có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế (BHYT).
Sau khi Tuổi Trẻ đưa tin, nhiều bạn đọc phản hồi thắc mắc hiểu quy định này như thế nào cho đúng? Bệnh nhân có thẻ BHYT ở các nơi khác đến TP.HCM khám chữa bệnh được giải quyết như thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 19-12, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – phó giám đốc BHXH TP.HCM – cho biết quy định áp dụng cho các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố, còn bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân chỉ được hưởng 40% BHYT.
Cụ thể, bệnh nhân tỉnh nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương và Bệnh viện Thống Nhất nếu không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT.
Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến vẫn được thanh toán 100%. Bệnh nhân có thẻ BHYT ở các tỉnh khác đến khám ngoại trú (không nhập viện) ở các cơ sở y tế tại TP.HCM nếu không có giấy chuyển tuyến không được BHYT thanh toán, bệnh nhân tự chi trả chi phí.
Trước đó, theo thông báo của BHXH Việt Nam, từ 1-1-2021, BHYT thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc. Bệnh nhân tỉnh BHYT không cần có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% BHYT.
Mới đây, BHXH TP.HCM cũng có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
BHXH TP.HCM đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh lý của người có thẻ BHYT, phù hợp với phạm vi chuyên môn và số giường nội trú đã được phê duyệt.
Các trường hợp khác (khám, điều trị ngoại trú) sử dụng theo giấy chuyển tuyến hoặc giấy hẹn tái khám. Giấy hẹn tái khám chỉ có giá trị sử dụng một lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hẹn khám lại.
Trường hợp các thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-12-2020 khi khám bệnh, chữa bệnh trong những ngày cuối năm vẫn được kê đơn, cấp thuốc theo chỉ định của bác sĩ và liệu trình điều trị.
Nguồn: tuoitre.vn