Tổng cục Thống kê ngày 29-9 công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của tháng này và ba quý đầu năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Doanh thu phí bảo hiểm giảm đáng kể, tín dụng tăng chậm
Trải qua hàng loạt lùm xùm, khách hàng tố bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ… doanh thu bảo hiểm cũng bị tác động rõ rệt.
Trong thông tin mới đưa ra, phía Tổng cục Thống kê cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 3-2023 ước đạt 52.900 tỉ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung ba quý của năm nay, tổng doanh thu đạt 165.600 tỉ đồng, giảm 6,9%.
Nhiều số liệu đáng chú ý khác cũng được Tổng cục Thống kê công bố. Chẳng hạn tính đến 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính từ đầu năm đạt 5,73%, trong khi cùng thời điểm này năm trước đạt 10,54%, cho thấy Ngân hàng Nhà nước thừa tiền nhưng việc người dân, doanh nghiệp hấp thụ nguồn vốn vẫn yếu.
GDP có xu hướng hồi phục, 165.200 doanh nghiệp mới và quay lại hoạt động, tổng bán lẻ tăng.
Từ đầu năm đến nay cả nước có 116.300 doanh nghiệp mới và 48.900 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 3,1% và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, ghi nhận mức tăng lần lượt 21% và 26,9%. Riêng số doanh nghiệp hoàn tất giải thể đạt 13.200 (-4,3%).
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba quý qua đạt 4,5 triệu tỉ đồng (+9,7%).
Vốn FDI thực hiện tăng vọt, xuất khẩu giảm
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng qua ước đạt hơn 2,2 triệu tỉ đồng (+5,9%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện (FDI) tại Việt Nam ước đạt 15,9 tỉ USD (+2,2%), cao nhất trong 5 năm trở lại đây khi so về giai đoạn 9 tháng đầu năm.
Lũy kế 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 259,6 tỉ USD (-8,2%). Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch 70,9 tỉ USD), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất (kim ngạch 79,1 tỉ USD). Ước tính xuất siêu 21,6 tỉ USD, tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Thị Hương – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết: “Kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo”.
Nguồn: tuoitre.vn