Đầu năm 2018, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thông báo sẽ ngưng hợp đồng lao động với giáo viên hợp đồng ‘không có vị trí việc làm’. Sau đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng mất việc, phải đi mưu sinh khắp nơi – Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng 23-4, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ban hành kế hoạch không tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hôi từ năm 2015 trở về trước mà sẽ xét tuyển.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc xét tuyển giáo viên sẽ có 2 vòng: vòng 1 kiểm tra hồ sơ và vòng 2 là sát hạch về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ… của người dự tuyển.
Kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu xét tuyển đặc cách đối với các giáo viên đủ tiêu chuẩn theo công văn ngày 5-11-2019 của Bộ Nội vụ; đáp ứng được tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (giáo viên THCS, THPT hạng III; giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV)…
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và đào tạo, các địa phương tính toán theo định mức và đề xuất nhu cầu tuyển dụng giáo viên tại các cấp, trường học trên địa bàn.
Nói về kế hoạch mới của tỉnh, một giáo viên tiểu học tại huyện Krông Năng cho biết cuối năm 2019, chị và các giáo viên hợp đồng tại địa phương đã nộp đầy đủ các hồ sơ liên quan để chờ được tuyển dụng đặc cách.
Theo kế hoạch mới, giáo viên sẽ phải trải qua 2 vòng xét tuyển như những cuộc xét tuyển giáo viên bình thường khác.
Hiện nay nhiều vùng sâu của Đắk Lắk các giáo viên hợp đồng dạy học trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn nơm nớp lo mất việc. Trong ảnh: một lớp của cô giáo mầm non tại xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN
“Việc xét tuyển 2 vòng sẽ có nhiều giáo viên mất việc; việc xét tuyển có thể có yếu tố chủ quan của đơn vị tổ chức, dễ dẫn đến tiêu cực”, một giáo viên ở TP Buôn Ma Thuột lo lắng.
Trả lời về vấn đề này, ông Bạch Văn Mạnh – giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, cho biết đang yêu cầu các địa phương lập danh sách giáo viên đủ điều kiện theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, xây dựng phương án xét tuyển để sở tham mưu, trình UBND quyết định.
“Hiện nay một số huyện đã gửi phương án, một số gửi lên nhưng không đạt, sở yêu cầu làm lại nên chưa tổng hợp được số giáo viên hợp đồng tham gia xét tuyển đặc cách đợt này”, ông Mạnh thông tin.
Về việc tại sao không tuyển dụng mà xét tuyển đặc cách, ông Mạnh cho biết hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk đang có việc thừa thiếu cục bộ tại các địa phương, các trường nên phải xây dựng phương án vị trí việc làm từng huyện để sở thẩm tra, tham mưu.
“Vì vậy, phương án này (kế hoạch của tỉnh – PV) đặt ra là để các trường dư chỉ tiêu, có sự cạnh tranh để xét tuyển. Đối với những địa phương, trường không có cạnh tranh thì xét tuyển nhẹ nhàng, bình thường thôi”, ông Mạnh khẳng định.
Một giáo viên hợp đồng tại Trường tiểu học Nguyễn Du, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bảy, trưởng Phòng Giáo dục – đào tạo huyện Krông Năng, cho biết đang họp để xây dựng phương án xét tuyển đặc cách đối với giáo viên.
Theo đó, huyện này có 124 giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách và không có cạnh tranh vị trí việc làm.
Theo ông Bảy, phương án của huyện sẽ là vòng 1 kiểm tra hồ sơ và vòng 2 tổ chức sát hạch qua hình thức dự giờ một tiết dạy của ứng viên để chấm điểm.
“Kế hoạch của tỉnh là xét tuyển đặc cách nên số lượng ứng viên không mở rộng (chỉ trong nhóm giáo viên đặc cách). Quan trọng hơn, ứng viên chỉ cần đạt 50/100 điểm là trúng tuyển, không xét từ cao xuống thấp như các cuộc thi tuyển, xét tuyển khác”, ông Bảy giải thích.
Nguồn: tuoitre.vn