Dù doanh thu sụt giảm mạnh, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn gồng gánh để người lao động có thu nhập trong mùa dịch. Trong ảnh, các tiểu thương chợ An Đông (TP.HCM) trước tình trạng buôn bán ế ẩm – Ảnh: BÔNG MAI
Làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, triển lãm, từ sau tết đến nay doanh thu của công ty ông Đ. gần như bằng 0. Nhưng để hỗ trợ người lao động, ông đã cố gắng cầm cự, cấp lương 80% cho nhân viên.
Biết tin có chính sách tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, đơn vị ông lập tức điện hỏi cơ quan chức năng thì biết doanh nghiệp mình không thuộc diện, vì không đủ 50% lao động bị nghỉ việc.
“Đóng bảo hiểm xã hội thì khó khăn, sa thải nhân viên thì không đành. Rõ ràng có chính sách rất hấp dẫn, nhưng ràng buộc nhiều, người dân khó tiếp cận”, ông Đ. thở dài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết cơ quan này và Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đang đề xuất Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giãn cách với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 40% lao động.
Theo ông Liệu, Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành quy định chỉ giãn thời gian đóng bảo hiểm với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 50% lao động, vì thế các hướng dẫn không được vượt qua quy định trong luật. Do tình hình hiện nay, Bảo hiểm Xã hội và Bộ LĐTB&XH đang đề xuất giảm xuống, nhưng Quốc hội chấp thuận mới có thể áp dụng được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về thắc mắc chính sách có vô tình khiến doanh nghiệp phải “đẩy người lao động ra đường”, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho biết người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng nếu rơi vào một trong hai trường hợp.
Cụ thể, thứ nhất, không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
Thứ hai, bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Người sử dụng lao động xét thấy mình thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì nộp hồ sơ cho cơ quan LĐTB&XH (với trường hợp giảm lao động) hoặc cơ quan tài chính (với trường hợp thiệt hại tài sản).
Đặc biệt, theo ông Giang, pháp luật quy định một trong các điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là: Số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
“Tạm thời nghỉ việc trong trường hợp này được hiểu là người lao động vẫn là người lao động của doanh nghiệp, nhưng phải tạm thời nghỉ việc. Nếu người lao động bị sa thải hay chấm dứt hợp đồng lao động thì không phải đóng BHXH nữa nên không đặt vấn đề tạm dừng đóng Bảo hiểm Xã hội”, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) đề xuất nên giữ lại bảo hiểm y tế cho người lao động bị cắt BHXH đến hết năm 2020.
Lý do là, theo ông Nghĩa, khi mất Bảo hiểm Xã hội, người lao động bị mất luôn bảo hiểm y tế, điều này sẽ gây khó khăn cho họ, nhất là thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.
Nguồn: tuoitre.vn