Liên quan đến số tiền ‘khủng’ được quỹ bảo hiểm chi trả, nhiều người tò mò về bệnh lý, quá trình điều trị và cơ sở thanh toán?
Ngày 16-11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết bệnh nhân này 34 tuổi, nam giới, quê tỉnh Vĩnh Long. Số tiền được bảo hiểm chi trả cho đến thời điểm hiện tại là 4.729.959.159 đồng (thuộc đối tượng được bảo hiểm chi trả 100%).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân) cho biết bệnh nhân bị bệnh hemophilia A, hay còn gọi là bệnh ưa chảy máu hoặc máu khó đông, được y văn thế giới gọi là ‘căn bệnh hoàng gia’ xuất hiện nhiều trong các hoàng tộc châu Âu từ thế kỷ 18-19.
Khoảng 4 năm nay bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện không thể về nhà.
Về quy trình điều trị, bệnh nhân mỗi ngày phải dùng từ 4 đến 6 lọ yếu tố VIII rất đắt tiền. Bệnh rất nguy hiểm bởi chỉ cần ngưng dùng thuốc là chảy máu đe dọa đến tính mạng.
“Do quá trình điều trị dài ngày nên cứ khi nào hồ sơ dày quá bệnh viện lại kết thúc chuyển qua hồ sơ mới chứ trên thực tế bệnh nhân vẫn còn nằm điều trị ở khoa truyền máu và huyết học” – bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây Bảo hiểm xã hội VN cho biết trong 10 tháng đầu năm 2018 có 50 bệnh nhân được quỹ bảo hiểm chi trả từ 810 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh trở lên.
Đặc biệt, trong số này có một bệnh nhân được trả trên 4,7 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ba bệnh nhân được trả từ trên 2,3 đến 2,8 tỉ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội VN, mức chi trả 4,7 tỉ đồng là mức chi trả cao thứ hai cho một bệnh nhân từ trước đến nay. Trước đó từng có một bệnh nhân được chi trả khoảng 5 tỉ đồng phí khám chữa bệnh, nhưng là cho ba đợt điều trị trong vòng hai năm.
Theo tài liệu trên cổng thông tin của Tổng hội Y học Việt Nam thì Hemophilia là bệnh rối loạn đông máu. Bệnh tương đối hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000. Người bệnh không chảy máu nhanh hơn bình thường mà là chảy máu lâu hơn bình thường. Nguyên nhân là do thiếu yếu tố đông máu.
Bệnh được chia làm 2 loại là Hemophilia A (thiếu yếu tố đông máu số 8) và Hemophilia B (thiếu yếu tố đông máu số 9).
Người bệnh Hemophilia mắc bệnh từ khi sinh ra do nhận gen của ba mẹ. Tuy nhiên khoảng 30% bệnh nhân không có tiền sử gia đình. Những trường hợp này được cho là đột biến gen bình thường chuyển thành gen bệnh và gen bệnh này lại di truyền cho thế hệ sau.
Nguồn: tuoitre.vn