Ông Phan Văn Mến – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: HOÀNG LỘC
Thông tin này được ông Phan Văn Mến – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết tại buổi báo cáo kết quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2018.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, BHXH TP thu được trên 21.000 tỉ đồng, số nợ còn lại gần 3.000 tỉ đồng, chiếm 4,48% so với số phải thu.
“Trong tổng số nợ xấu BHXH hiện nay có một khoản nợ rất lớn không thể đòi được do các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn và mất tích… Chúng tôi đã làm mọi cách nhưng chưa có cách nào để thu hồi”, ông Mến cho biết thời gian qua đơn vị đã tích cực nhắc nợ bằng cách gửi thư mời gần 2.500 doanh nghiệp nợ trên 6 tháng và khoảng 1000 doanh nghiệp nợ từ 2 đến 6 tháng.
Theo ông Mến, hiện đơn vị đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuyển cơ quan điều tra Công an TP.HCM đề nghị xử lý hình sự một doanh nghiệp nợ BHXH gần 4 năm với số tiền trên 27 tỉ đồng.
Nếu được giải quyết đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bị xử lý hình sự vì trốn đóng, chây ì nợ BHXH.
“Vừa rồi tổng giám đốc công ty này có văn bản xin giãn nợ, trả theo lộ trình từ nay đến năm 2020 tuy nhiên quy định không cho phép.
Vừa rồi, đơn vị này hứa nộp trước 5 tỉ nhưng chờ mãi chưa thấy đâu. BHXH TP gọi điện thì đơn vị này tiếp tục hứa trong tuần này cố gắng nộp 2 tỉ để giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Mến cho biết hiện toàn TP có khoảng 1.570 đơn vị nằm trong danh sách nợ BHXH khó đòi.
Ngoài ra theo ông Mến, hiện nay “bức tranh” sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không mấy khả quan.
“Có nhiều công ty giảm 50-70% số lượng lao động bởi họ tập trung đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại thay thế lực lượng lao động. Điều này kéo theo lực lượng tham gia BHXH, BHYT giảm rất đáng kể. Đến nay BHXH TP mới đạt xấp xỉ 40% chỉ trong tiêu đề ra là đạt trên 61.000 tỉ”, ông Mến nói.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, theo ông Mến sắp tới đơn vị tập trung nguồn lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, chú ý khai thác phát triển doanh nghiệp mới thành lập hoặc chưa tham gia đầy đủ cho người lao động.
BHXH TP phấn đấu đến cuối năm 2018, số người tham gia cả 4 loại hình bảo hiểm gồm BHXH bắt buộc trên 2,4 triệu người, BHXH tự nguyện 17.000 người, bảo hiểm thất nghiệp trên 2,4 triệu người và BHYT trên 7,2 triệu người, đạt độ bao phủ 86% dân số.
Người lao động làm thủ tục nhận kết quả tại BHXH tỉnh Bình Dương ngày 19-6 – ẢNH: BÁ SƠN
Cũng trong ngày 19-6, BHXH tỉnh Bình Dương cho biết đang tiến hành thanh tra đột xuất đối với các đơn vị chây ì, trốn đóng BHXH cho công nhân, người lao động. BHXH tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ của 3 doanh nghiệp vi phạm để chuyển cho cơ quan công an xử lý theo quy định mới của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Lê Minh Lý – giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương – cho biết mặc dù quy định xử lý hình sự đối với đơn vị trốn đóng BHXH còn rất mới, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan BHXH Việt Nam nhưng với thực tiễn của địa phương thì BHXH tỉnh đã xin ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để chuyển hồ sơ cho công an xử lý đúng quy định.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nửa dân số là lao động nhập cư nên có quy mô đóng BHXH thuộc top cao nhất cả nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh Bình Dương đã thu tới gần 9.300 tỉ đồng tiền BHXH.
Số nợ BHXH tính tới hết tháng 6-2018 khoảng 450 tỉ đồng. Có 17 đơn vị có số nợ BHXH lớn và kéo dài, đã được thanh tra chuyên ngành nhưng vẫn tiếp tục nợ trên 12 tháng chưa đóng bảo hiểm cho người lao động.
BÁ SƠN
Nguồn: tuoitre.vn