Phải tiết kiệm quỹ bảo hiểm y tế và đấu thầu thuốc là một trong những biện pháp để quản chặt từng đồng của quỹ. Thế nhưng, mới đây chín doanh nghiệp dược đã có văn bản khiếu nại Bảo hiểm xã hội VN lên các cấp thẩm quyền về đấu thầu thuốc (Tuổi Trẻ ngày 29-1).
Bảo hiểm xã hội VN cũng có văn bản gửi các cấp thẩm quyền để phản hồi các ý kiến này. Nhưng “tố” qua nói lại cho thấy rằng các bên đều vẫn đang bảo vệ lợi ích của mình, trong khi yêu cầu cao nhất là tiết giảm khoản chi cho tiền thuốc còn quá ít ỏi so với thực tế.
Cần nhắc lại, với hai gói thầu tập trung quốc gia với hơn 40 thuốc trị ung thư và kháng sinh, do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN mở cuối năm 2017, quỹ bảo hiểm y tế tiết kiệm được khoảng 700 tỉ đồng tiền thuốc cho hai năm 2018-2019.
So với thuốc cùng loại đã được quỹ bảo hiểm chi trả năm 2017, thuốc mới mua rẻ hơn khoảng 20%. Ngay biệt dược gốc vốn rất khó giảm giá, qua đấu thầu tập trung cũng đã giảm 3-15% giá thuốc. Người bệnh và quỹ bảo hiểm cùng được lợi từ việc đấu thầu này.
Tuy nhiên việc tiếp tục triển khai các gói thầu tập trung chưa được tiến hành như mong đợi. Sau gói thầu đầu tiên là hơn 20 thuốc trị ung thư từ tháng 8-2017, đến nay chưa có thêm gói thầu mới được mở.
Thực tế, Bảo hiểm xã hội VN có đề nghị Bộ Y tế đấu thầu tập trung tiếp với 20 mặt hàng gồm các thuốc kháng sinh, tiểu đường và tiêu hóa, nhưng tất cả mới ở giai đoạn đề nghị.
Làm việc với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN, Bộ Tài chính hồi đầu năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thống nhất tiến tới đấu thầu tập trung bốn nhóm vật tư y tế là khớp gối khớp háng nhân tạo, stent cho bệnh nhân tim, thủy tinh thể nhân tạo và kim truyền.
Áp lực phải đấu thầu là rất lớn. Trung bình mỗi năm, riêng quỹ bảo hiểm y tế chi xấp xỉ 2.000 tỉ đồng cho bốn mặt hàng này, nếu được đấu thầu tập trung chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiều tỉ đồng mỗi năm.
Năm 2017, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trên 40.000 tỉ đồng tiền thuốc. Thị trường còn rất nhiều biệt dược đang bị độc quyền, giá cao nằm trong danh mục đàm phán giá.
Danh mục này có từ gần hai năm trước, cơ quan được giao thực hiện là Bộ Y tế nhưng đến nay việc đàm phán giá vẫn là “sắp và đang thực hiện”, còn người dân vẫn phải chi tiền đắt đỏ mua thuốc mỗi ngày.
Chi phí cho thuốc phòng chữa bệnh ở VN đã vượt 4 tỉ USD/năm và tiếp tục tăng 15-20%/năm. Nếu có trách nhiệm với khoản tiền khổng lồ mà người bệnh đang phải chi trả thì không thể trì hoãn những việc đem lại lợi ích cho người bệnh. Không thể trì hoãn việc giảm giá thuốc bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với pháp luật hiện hành.
Trì hoãn và làm chậm trễ tiến trình này là có lỗi với mọi người dân và từng người bệnh.
Nguồn: tuoitre.vn