Tổ chuyên gia kiểm tra hồ sơ của các công ty tham gia gói thầu đầu tiên của Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia – Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế
Gói thầu này thực hiện mua sắm với hơn 20 loại thuốc thuộc 5 hoạt chất điều trị ung thư.
Dự kiến chi phí khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới trên 90.000 tỉ đồng, 50-60% trong số này là tiền thuốc. Vì vậy, việc đấu thầu tập trung có thể tiết kiệm số tiền rất lớn, có thể cả ngàn tỉ đồng.
Liệu lần đấu thầu tập trung mới này của Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia, và sắp tới là của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN có mở ra một con đường mới để đấu thầu thuốc vào bệnh viện nhằm giảm giá thuốc?
Thuốc nào cũng giảm giá
Sau khi xét thầu về mặt kỹ thuật hôm 2-8, ngày 25-8 vừa qua Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia đã xét về giá cho gói thầu được đấu thầu tập trung lần đầu tiên.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, kết quả phê duyệt trúng thầu (dự kiến sẽ chính thức công bố cuối tuần này) cho thấy: giá hơn 20 thuốc được đấu thầu tập trung lần đầu tiên giảm rất nhiều so với giá thuốc tương tự, được các bệnh viện mua năm 2016. Tính chung cả gói thầu giá giảm trên 20%, khiến giá trị gói thầu giảm từ 2.600 tỉ đồng (giá kế hoạch dựa trên giá trúng thầu mức trung bình năm 2016, đăng tải trên website Cục Quản lý dược và BHXH VN) xuống còn hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương giảm trên 590 tỉ.
Đặc biệt ba loại biệt dược gốc trước đây chưa bao giờ giảm giá thì lần này giảm 12%, tương đương gần 80 tỉ đồng so với năm 2016.
Thông tin từ Bộ Y tế, trong số mặt hàng được chấm ở vị trí số 1 (trúng thầu), mức giảm giá nhiều nhất tới 70% so với giá trung bình mua năm 2016. Rất nhiều mặt hàng giá chỉ bằng 50% so với giá năm 2016.
Sẽ mở rộng đấu thầu tập trung?
Ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay bảo hiểm cũng đang tổng hợp nhu cầu từ các bệnh viện, chuẩn bị đấu thầu tập trung trên 20 mặt hàng thuốc có số lượng sử dụng lớn. Ông Sơn cũng cho biết mục tiêu của đợt đấu thầu tập trung này là sẽ giảm giá ít nhất 10% so với giá mua thuốc cùng loại năm 2016.
Năm 2017, dự kiến chi phí khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới trên 90.000 tỉ đồng, 50-60% trong số này là tiền thuốc. Vì vậy, theo ông Sơn, chỉ cần giảm 5% giá thuốc, cả bệnh nhân và quỹ bảo hiểm sẽ đỡ phần gánh nặng rất lớn.
Bộ Y tế cho biết sau khi kết quả phê duyệt trúng thầu được công bố, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục xây dựng danh mục thuốc mới cho Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu tập trung. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tiến hành đàm phán lại về giá với các nhà cung cấp thuốc biệt dược giá cao và đang bị độc quyền.
Hóa giải nỗi lo thiếu thuốc
Khả năng cung ứng là một trong những vấn đề đáng ngại nhất khi tổ chức đấu thầu tập trung, nhất là khi nhà thầu phải cung ứng thuốc cho 63 tỉnh thành và gần 40 bệnh viện tuyến T.Ư. Tuy nhiên, có 11 nhà cung cấp đã được xếp hạng 1 khi xét thầu tập trung lần đầu tiên, đây đều là các nhà nhập khẩu và phân phối dược phẩm thuộc dạng lớn ở VN.
Bà Nguyễn Thị Yến, phó trưởng ban dược – vật tư y tế BHXH VN, cho biết bảo hiểm đã đưa khả năng cung ứng vào nhóm các tiêu chí kỹ thuật, còn Bộ Y tế cho hay đã có phương án dự phòng là ký hợp đồng bằng 130% nhu cầu với nhà cung cấp. Ngay cả khi nhà thầu này không đáp ứng đủ nhu cầu, sẽ chọn ngay nhà thầu xếp thứ 2 (đơn vị trúng thầu nhưng không đáp ứng hợp đồng sẽ bị phạt 3-10% tổng giá trị hợp đồng).
“Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia cũng sẽ có vai trò điều phối, thông thường bệnh viện thiếu thuốc sẽ phải gửi đề nghị lên bộ hoặc sở y tế. Nhiều trường hợp phải hàng tháng để cơ quan chức năng xem xét. Hiện đã có trung tâm mua sắm giữ vai trò điều phối thì bệnh viện không cần phải chờ đợi, nơi nào thừa thì bù đắp sang nơi thiếu và ngược lại” – đại diện Bộ Y tế cho biết.
Gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị từ ngày 1-1-2018 đến hết năm 2019, tức là có giá trị trong vòng 2 năm. Nhưng ngay sau khi công bố chính thức trong tháng 9 này, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.
Một vị đại diện Bộ Y tế cho rằng như vậy sẽ tiện lợi hơn vì không phải chờ đợi xét duyệt mỗi khi thiếu thuốc, không phải tổ chức nhóm cán bộ cả chục người xây dựng gói thầu, giá kế hoạch, tổ chức đấu thầu; các nhà thầu cũng biết trước một lượng thuốc lớn và ổn định họ sẽ phải cung cấp trong vòng 2 năm mà không phải làm hàng trăm bộ hồ sơ dự thầu, tham dự hàng trăm cuộc đấu thầu… “Đây chính là nguyên nhân làm giá thuốc giảm” – vị đại diện Bộ Y tế nói.
Chính phủ yêu cầu triển khai đấu thầu tập trung
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8-2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dược; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường quản lý giá thuốc theo mục tiêu giảm từ 10-15% giá thuốc trong năm 2017, nhất là thuốc biệt dược; khẩn trương phối hợp với Bảo hiểm xã hội VN triển khai đấu thầu tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế từ 1-1-2018.
L.Kiên
Đảm bảo chất lượng
Bộ Y tế cho biết các thuốc đủ điểm kỹ thuật mới được xét đến giá, tức là chất lượng phải đảm bảo chuẩn.
Tuy nhiên, một chuyên gia tham gia chấm thầu lần mua sắm tập trung đầu tiên này cho rằng tới đây cần bổ sung thêm các tiêu chí trong hồ sơ, nhằm phân biệt rõ nguồn gốc xuất xứ của thuốc, tránh tình trạng “được mùa” về giá nhưng thuốc trúng thầu chủ yếu là sản phẩm châu Á, không được bệnh viện tuyến trên tin dùng.
Nguồn: tuoitre.vn