Mốc thời gian dự định tăng viện phí này đã tăng thêm một tháng so với lộ trình trước đây là tăng từ ngày 1-7 và cũng khác với lộ trình trước là không tăng trên diện rộng, trước mắt sẽ áp dụng ở 10 tỉnh thành có số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao 90-95%.
Cụ thể, viện phí mới áp dụng từ ngày 1-8 đưa thêm lương thầy thuốc vào viện phí.
Trước đó từ ngày 1-3, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn (hầu hết bệnh viện tuyến T.Ư và một số bệnh viện tuyến tỉnh) đã thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.
Từ ngày 1-8, mức viện phí gồm các loại phụ cấp, lương này tiếp tục được áp dụng mở rộng thêm tại 10 địa phương. Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội VN, từ tháng 3 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ sau khi tăng viện phí. Cơ bản đánh giá một số bệnh viện chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc được phát hiện thể hiện chất lượng dịch vụ còn thấp.
Trong đó có 2 vụ sập trần bệnh viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Tai mũi họng T.Ư, hai vụ bác sĩ làm “cò bệnh viện” và nhận cả xấp phong bì phát hiện tại Bệnh viện K, một vụ cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai nói chuyện điện thoại dài trong giờ làm việc trong khi bệnh nhân chờ đợi…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của ngành y tế cho biết đánh giá qua các đợt kiểm tra bệnh viện thì thấy chất lượng dịch vụ y tế có cải thiện sau tăng viện phí, nhưng đổi mới về tư duy và quản trị bệnh viện vẫn chưa rõ.
Chuyên gia này cũng cho rằng nên sớm cho các bệnh viện thu đúng thu đủ chi phí dịch vụ (áp dụng trước ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế), đồng thời chuyển phần ngân sách vốn dành bao cấp cho ngành y tế sang hỗ trợ người thụ hưởng dịch vụ, thông qua việc hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế, sẽ tạo cạnh tranh giữa các bệnh viện trong cải thiện chất lượng dịch vụ.
Nguồn: tuoitre.vn