Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền |
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 2-3, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nhiều đại biểu cho rằng con số nợ vẫn còn rất cao, nợ vẫn triền miên, đặc biệt là ở doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Ông Đặng Ngọc Tùng – chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN – chua xót đặt câu hỏi: “Chừng nào Chính phủ không còn trừng phạt người lao động khi người sử dụng lao động không đóng BHXH?”.
Ông Nguyễn Minh Thảo – phó tổng giám đốc BHXH VN – cho biết trong số DN nợ, nhiều DN mất khả năng tài chính.
Ông Mai Đức Chính – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN – cho biết khó khăn của các địa phương là do chưa có tiêu chí xác định chủ DN bỏ trốn, dẫn đến việc tòa án không thụ lý khi khởi kiện đòi BHXH.
Phía tổng liên đoàn đã kiến nghị khi chủ DN bỏ trốn sẽ dùng ngân sách tạm thời trả lương, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, khoanh BHXH. Sau này khi DN được tuyên phá sản sẽ bán tài sản để trả lại, nếu không đủ thì ngân sách cấp bù.
Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định: “Không phải DN không muốn nộp mà bản chất người ta rất khó khăn. Hiện nay DN đóng các khoản bảo hiểm, các khoản phí lên tới 35,5%, là tỉ lệ rất cao. Các nước không cao như vậy.
Tôi mong mỏi trong chính sách an sinh xã hội lâu dài chúng ta phải có giải pháp để người lao động đóng đúng, đóng đủ trên thu nhập nhưng dần dần giảm tỉ lệ đóng”.
Nguồn: tuoitre.vn