Quy định đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập thực tế khiến nhiều công nhân lương thấp lo cuộc sống thêm khó khăn. Trong ảnh: công nhân chọn mua quần áo rẻ tiền – Ảnh: Hữu Khoa |
Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu một số ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động và các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
* Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (công nhân may ở Q.12, TP.HCM):
Lương ba cọc ba đồng, đâu nghĩ lâu dài được
Vợ chồng tôi làm công nhân thu nhập bấp bênh lắm. Tháng nào tăng ca đều, cày cuốc dữ lắm cả hai cũng chỉ được nhỉnh hơn 10 triệu đồng dù cũng có tay nghề, thâm niên mười mấy năm làm công nhân may.
Chừng đó tiền mà phải nuôi hai con đi học nên phải tính đếm từng đồng. Tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền học cho con, khoản nào cũng phải tính cụ thể mỗi tháng bao nhiêu để lãnh lương về là cứ thế mà chia ra. Tháng nào muốn cho chồng con vài bữa ăn ngon là tháng sau phải nhín lại.
Nói chung, lương ba cọc ba đồng như vợ chồng tôi chỉ đủ lo trước mắt nên đâu có nghĩ lâu dài được. Cả nhà bốn người và mặc dù con cái đã lớn nhưng vẫn phải ở trong căn phòng trọ bé tí, mùa mưa ngập nước lênh láng.
Mặc dù vậy nhưng cả chục năm nay gia đình tôi không dám chuyển chỗ trọ vì nếu chuyển đến chỗ tốt hơn phải tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tháng. Giờ tiền đóng BHXH tăng thêm, vợ chồng cộng vào mất thêm 500.000-600.000 đồng/tháng nữa, cũng chưa biết sắp tới xoay xở ra sao.
* Chị Trần Thị Thu Nhàn (26 tuổi, nhân viên truyền thông):
Lo công ty tìm cách “né”
Hằng tháng, bảng lương của tôi nhận được chỉ ghi số tiền lương được lãnh (14 triệu đồng) và số tiền trích đóng BHXH (370.000 đồng, tương đương 10,5% lương) thì tự ngầm hiểu công ty chỉ lấy mức lương khoảng 3,5 triệu đồng để đóng BHXH cho mình thôi.
Vị trí tôi đang làm không liên quan đến kinh doanh và cũng không dựa theo hiệu quả kinh doanh để tính lương hằng tháng nên cũng không hiểu khoản chênh lệch hơn 10 triệu đồng so với mức 3,5 triệu đồng tính đóng BHXH gọi là phụ cấp hay khoản gì.
Khi phỏng vấn xin việc, hai bên chỉ thỏa thuận mức lương thực tế tôi nhận được chứ cũng không phân ra lương cơ bản cộng thêm các khoản phụ cấp.
Lương thực tế của tôi gấp bốn lần lương đóng BHXH nên nếu lấy thu nhập thực tế để đóng BHXH thì chắc chắn chi phí công ty tăng lên rất nhiều.
Tôi cũng không nghĩ rằng công ty sẽ thực hiện được đúng như luật quy định mà sẽ tìm cách để giảm số tiền đóng BHXH xuống…
* Bà P.T.T.N. (giám đốc một công ty da giày, Q.Bình Tân, TP.HCM):
Doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở
Quy định đóng BHXH theo thu nhập thực tế vừa gây khó cho doanh nghiệp, lại vừa khó cho người lao động.
Theo tôi biết phần đông người lao động không thấy thoải mái với quy định này bởi lương của họ chỉ 4-5 triệu đồng/tháng mà nay bị trừ thêm 100.000-200.000 đồng/tháng để đóng BHXH họ cũng bị ảnh hưởng.
Riêng doanh nghiệp, với việc điều chỉnh lương tối thiểu và cách tính đóng BHXH mới cùng lúc, chi phí sẽ tăng lên nhiều nên chúng tôi đang rất lo lắng. Không chỉ riêng doanh nghiệp tôi mà chắc chắn nhiều doanh nghiệp khác cũng phải tìm cách xoay xở thôi.
Trước mắt, quy định vẫn chưa bắt cộng các khoản bổ sung khác vào lương tính đóng BHXH nên có thể doanh nghiệp sẽ chuyển phụ cấp sang các khoản khác hoặc giảm phụ cấp để bù vào tiền BHXH phải đóng thêm…
Tuy nhiên, việc này cũng rất khó vì công nhân sẽ thắc mắc, phản ứng. Chúng tôi cũng tính đến việc giảm lao động để cắt giảm chi phí, bảo đảm sự tồn tại của doanh nghiệp.
Nhưng đó chỉ là những suy tính thôi còn đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể khoản phụ cấp nào phải gộp, khoản nào không nên chúng tôi cũng chưa tính toán gì cụ thể.
* Ông Nguyễn Đăng Tiến (phó giám đốc BHXH TP.HCM):
Hướng dẫn càng rõ thì doanh nghiệp càng khó lách
Quy định lấy toàn bộ thu nhập làm căn cứ tính đóng BHXH, trong năm 2016 vẫn chưa thực hiện triệt để mà có lộ trình để doanh nghiệp kịp thích nghi: năm 2016-2018 thu trên mức lương và phụ cấp lương, từ năm 2018 thu trên toàn bộ thu nhập khi gộp thêm các khoản bổ sung khác.
Khi đưa vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách né để giảm chi phí tăng theo, chuyển phụ cấp thành tên gọi nào đó. Cơ quan BHXH chỉ là cơ quan thừa hành, không có quyền ban hành bất cứ văn bản luật nào nên vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn thực hiện của ngành lao động.
Hướng dẫn quy định về mức lương, phụ cấp hay các khoản bổ sung khác càng cụ thể bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ càng khó né tránh.
* Ông Mai Đức Chính (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN): Quy định mới vì quyền lợi của người lao động Do luật về BHXH trước đây quy định đóng trên lương, nên từ trước đến nay chủ sử dụng phần lớn lao động tìm cách lách luật, chỉ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) trên mức lương tối thiểu vùng chứ không phải đóng trên mức lương thực tế trả cho NLĐ. Phần chênh lệch lương không đóng BHXH được chia nhỏ thành các khoản phụ cấp như tiền nhà, tiền xe… Khi chủ sử dụng lao động tìm cách thỏa thuận với NLĐ chỉ đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng, đến lúc nghỉ hưu, dù có được nhận mức lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đã đóng BHXH, NLĐ cũng chỉ có lương hưu hằng tháng thấp hơn cả lương tối thiểu. Số liệu thống kê khảo sát của chúng tôi cho thấy hiện có tới 15% người nghỉ hưu tại TP.HCM có mức lương 1.350.000 đồng/tháng, chỉ bằng mức chuẩn nghèo. Với lương hưu trí quá thấp như vậy, cuộc sống của NLĐ khi về già sẽ rất khó khăn. Nếu để tình trạng các doanh nghiệp tiếp tục đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ. Các nước đều áp dụng việc đóng bảo hiểm hưu trí trên tổng thu nhập. Để bảo vệ quyền lợi hưu trí cũng như khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động của NLĐ, chúng ta cũng phải kiên quyết xóa tình trạng hai sổ lương trong doanh nghiệp: một là sổ lương thấp để đóng BHXH, một là sổ lương thực tế chi trả cho NLĐ và quyết toán thuế. Chính vì vậy, khi xây dựng Luật BHXH mới 2014, Tổng liên đoàn Lao động VN đã phải đấu tranh rất kiên quyết, mạnh mẽ để có được quy định đóng BHXH trên thu nhập thực tế của NLĐ, nhằm đảm bảo cho NLĐ sau cả cuộc đời làm việc, đến khi nghỉ hưu sẽ được nhận được mức lương hưu không quá chênh lệch so với thu nhập khi làm việc, có thể ổn định cuộc sống tuổi già. Cũng có những ý kiến cho rằng khi đóng BHXH trên tổng thu nhập, mức đóng BHXH của NLĐ cũng sẽ tăng, ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại. Đó là cách phân tích phiến diện nghiêng về quyền lợi của chủ sử dụng lao động, tác động đến nhận thức của NLĐ làm cho họ chỉ nhìn đến lợi ích ngắn hạn trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Rõ ràng là nếu đóng BHXH trên thu nhập thực tế, NLĐ chỉ tăng mức đóng trên mức 1/3 phí BHXH, chủ sử dụng chịu trách nhiệm 2/3 nhưng khi ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu, lương từ quỹ BHXH của NLĐ sẽ tăng cao hơn nhiều, được hưởng 100% từ mức đóng tăng. Chắc chắn với cách thu BHXH mới, mức sống của NLĐ ở tuổi hưu trí sẽ được bảo đảm hơn. Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống công đoàn để NLĐ thấy rõ quyền lợi của mình trong cách thu BHXH mới. Về phía chủ sử dụng lao động, có ý kiến cho rằng thu BHXH trên mức lương thực tế chi trả cho NLĐ là tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Nói như vậy là không đúng vì việc đóng BHXH trước đây là do luật pháp còn kẽ hở, chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật. Nay có quy định chặt chẽ để thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ, minh bạch hóa việc chi trả lương. Tôi cho rằng với việc nước ta ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt hiệp định kinh tế khác, gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN…, thiếu lao động, nhất là lao động lành nghề, mới là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong thời gian tới chứ không phải phí đóng BHXH. Nếu không có những chính sách bảo đảm quyền lợi để giữ chân NLĐ, các doanh nghiệp sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, không tuyển dụng được lao động. |
Nguồn: tuoitre.vn