Ông Cao Văn Sang – Ảnh: Vũ Thủy |
* Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
Lương hưu hiện nay chỉ mang tính hình thức
Việc các doanh nghiệp vận dụng luật hiện hành, tìm mọi cách để giảm tối đa số tiền đóng BHXH đang kéo theo nhiều thiệt hại cho người lao động. Ví dụ hiện nay công nhân được nghỉ thai sản 6 tháng nhưng rất nhiều người nghỉ 4 – 5 tháng đã xin đi làm.
Nguyên nhân vì mức lương đang đóng BHXH thấp nên tiền thai sản dù trả 100% lương vẫn không đủ. Người lao động bệnh tật, thai sản, thậm chí nghỉ hưu nhưng không bù đắp được bằng khoản trợ cấp đau ốm, thai sản và tiền lương hưu.
Mục đích của BHXH là thay thế cho tiền lương mất đi nhưng hiện nay chỉ thay thế hình thức. Do đó nó trở nên vô nghĩa, chỉ là “giả bộ”.
Người lao động đang làm việc thì đời sống bình thường nhưng nghỉ hưu là sụt ghê gớm vì lương hưu được tính bằng 55 – 75% lương trung bình nhưng mức lương để nhân lên quá thấp.
Tại TP.HCM, thời gian qua nhiều người hưởng lương hưu dưới mức cận nghèo. Có người lương hưu chỉ gần 800.000 đồng, phải bù thêm để bằng lương cơ sở 1,15 triệu đồng.
Quy định BHXH trên thu nhập thực tế không phải là bằng mọi giá thu được nhiều tiền cho BHXH. Thực tế, với cách đóng – trả hiện nay, quỹ BHXH chịu không nổi và phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đóng nhiều thì Nhà nước bổ sung nhiều. Đóng càng nhiều người lao động càng có lợi.
Những người sắp tới ngày nghỉ nhận lương hưu mới thấm thía. Sự hỗ trợ cần ưu tiên cho nhóm yếu thế, nhóm lương thấp.
Vì vậy cần phải khống chế mức đóng, không để lợi dụng đóng quá thấp đồng thời cũng khống chế mức trần bằng 20 lần mức lương cơ sở, muốn đóng nhiều hơn cũng không được.
Tạm thời năm 2016 – 2017 quy định đóng BHXH trên mức lương và phụ cấp. Tuy nhiên khi áp dụng, có thể các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ biến nhiều khoản trước đây là phụ cấp thành thu nhập khác.
Vậy trốn như vậy tới lúc nào? Do đó bắt đầu từ năm 2018 BHXH quy định phải đóng trên thu nhập thực tế. Làm như vậy mới đúng là BHXH, là thay thế lương khi người ta không có thu nhập từ lương.
Thực hiện đóng BHXH trên thu nhập thực tế sẽ phức tạp hơn, cách làm sẽ khó hơn nhưng không phải không làm được vì hiện nay ngành thuế cũng đang thu thuế thu nhập trên thu nhập thực tế.
* Ông Nguyễn Chánh Phương (giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):
Quỹ chi trả bảo hiểm xã hội sẽ tăng gấp đôi
Ông Nguyễn Chánh Phương – Ảnh: Đ.Dân |
Hầu hết thu nhập của công nhân trong các doanh nghiệp chế biến gỗ được chi trả cao hơn khá nhiều mức lương cơ bản. Hiện thu nhập bình quân của công nhân chưa có tay nghề (phổ thông) mới nhận vào làm việc đã được chi trả mức trên 4 triệu đồng.
Do đó, khi áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội mới tính theo là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác sẽ khiến quỹ chi trả bảo hiểm công nhân viên tăng mạnh. Ước tính có thể tăng gấp đôi hiện nay.
Khoản tăng thêm này không chỉ riêng doanh nghiệp mà chính người lao động phải chi trả theo quy định. Theo đánh giá của chúng tôi, lộ trình của chính sách bảo hiểm xã hội đang nhanh hơn với khả năng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bản thân người lao động cần sự đảm bảo chắc chắn với những quyền lợi họ được hưởng khi đóng góp khoản bảo hiểm sẽ tăng thêm này.
* Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM):
Chi phí mỗi tháng tăng lên hàng tỉ đồng
Ông Phạm Xuân Hồng – Ảnh: Đ.Dân |
Sau khi có thông tin mức thu bảo hiểm xã hội, phí công đoàn sẽ dựa trên tổng thu nhập thay vì lương cơ bản như trước rất nhiều doanh nghiệp trong khối may mặc, giày da rất lo lắng. Bởi đây là những doanh nghiệp sử dụng lao động rất nhiều.
Đối với khối dệt may, nếu các doanh nghiệp cỡ vừa cũng từ 1.000 – 2.000 lao động.
Nếu khoản thu bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập có nghĩa là các khoản ngoài lương của người lao động như tiền tăng ca, tiền thưởng… cũng đều tính vào thì mức chi phí tăng thêm hằng tháng sẽ là 1,2 tỉ đồng đối với doanh nghiệp 1.000 công nhân.
Khoản tăng thêm này nhân cho một năm 12 tháng là không ít đối với doanh nghiệp. Đó là chưa kể phí công đoàn trước nay chỉ đóng theo hình thức thương lượng.
Nguồn: tuoitre.vn