Việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT có nhiều thay đổi từ ngày 1-1-2015. Trong ảnh: bệnh nhân BHYT lãnh thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Ngày 23-12, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT, gọi tắt Luật sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT cho người tham gia BHYT.
Mở rộng và ưu đãi
Luật sửa đổi, bổ sung còn khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình với mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất đóng 6% lương cơ sở (tương đương 1.150.000 đồng), người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt là 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, kể từ người thứ 5 trở đi chỉ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. |
Báo cáo tại hội nghị, bà Tống Thị Song Hương – vụ trưởng Vụ BHYT (thuộc Bộ Y tế) – cho biết điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung là người dân bắt buộc phải tham gia BHYT theo năm nhóm đối tượng; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT; quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT và bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan.
Luật còn bổ sung đối tượng tham gia BHYT được bảo hiểm xã hội đóng phí là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Ngoài ra, luật còn bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT gồm: lực lượng vũ trang, người đang sinh sống tại vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Luật cũng bổ sung quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo hướng mở rộng trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn giao thông.
Với trẻ em dưới 6 tuổi, nếu đủ 72 tháng nhưng thẻ BHYT hết hạn trước ngày 30-9 sẽ được hưởng BHYT đến ngày 30-9 của năm đó.
Ngoài ra, một số đối tượng chính sách còn được nâng mức hưởng BHYT. Cụ thể, các đối tượng thuộc hộ nghèo, bảo trợ xã hội đang hưởng quyền lợi 95% được tăng lên 100%; các đối tượng cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến đang hưởng quyền lợi 80% được lên 100% và được hưởng thêm chi phí vận chuyển khi khám chữa bệnh; các đối tượng là thân nhân người có công, hộ cận nghèo đang hưởng quyền lợi 80% được lên 95%.
Mức hưởng BHYT cũng được nâng lên cho người tham gia BHYT theo hướng quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo. Người bệnh còn được hưởng 100% chi phí cho một lần khám chữa bệnh nếu chi phí thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
Siết không đúng tuyến
Tuy mở rộng quyền lợi nhưng theo bà Song Hương, Luật sửa đổi, bổ sung cũng siết lại trong một số trường hợp người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh sai quy định để tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2015 người dân đi khám chữa bệnh vượt tuyến diện ngoại trú ở những bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ phải tự trả tiền, trong khi trước đây nếu đi khám vượt tuyến ở bệnh viện tuyến tỉnh được thanh toán 50%, còn vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trung ương được thanh toán 30%.
Tuy nhiên, quy định mới lại tăng thêm mức hưởng BHYT cho người đi khám chữa bệnh vượt tuyến diện nội trú.
Nếu trước đây khi đến khám vượt tuyến ở tuyến tỉnh được thanh toán 50% thì nay được 60%, còn vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trung ương được thanh toán 30% thì nay được 40%.
Người bệnh đi khám trái tuyến (đăng ký ban đầu ở bệnh viện huyện này mà đi khám huyện khác) thì được hưởng 70% chi phí khám chữa bệnh cả nội, ngoại trú.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016 nếu đi trái tuyến ở tuyến huyện (dù là bệnh viện nào trong cùng một tỉnh, thành phố) cũng được hưởng quyền lợi 100% theo quy định của từng đối tượng.
Đến năm 2021, khám chữa bệnh nội trú ở tuyến huyện và tuyến tỉnh sẽ được mở toàn quốc và mức hưởng là 100% theo quy định. Riêng tuyến trung ương vẫn giữ nguyên là chỉ thanh toán chi phí điều trị nội trú ở mức 40%, khám chữa bệnh ngoại trú không thanh toán.
Giải quyết tình huống đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn Theo ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội VN, hiện nay cả nước có khoảng 30 triệu thẻ BHYT theo mẫu cũ, mã thẻ cũ nên các đơn vị vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Nếu thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng sau ngày 1-1-2015 thì phạm vi quyền lợi và mức hưởng thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung. Trường hợp bệnh nhân đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng vẫn được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân vào viện điều trị trước ngày 1-1-2015 nhưng ra viện kể từ ngày 1-1-2015 thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung. Học sinh, sinh viên đã đóng BHYT cho cả năm học 2014-2015 thì không phải truy đóng phần chênh lệch khi thay đổi mức đóng BHYT. |
Nguồn: tuoitre.vn