Giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện nay “đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Vì vậy, “có rất nhiều yêu cầu mới, vấn đề mới đặt ra đòi hỏi đội ngũ công nhân, lao động phải nâng mình lên một tầm cao mới – tầm cao không chỉ về lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà cả về sự nhận thức vai trò, vị trí chính trị to lớn của giai cấp công nhân – giai cấp làm chủ vận mệnh của đất nước, lại đang có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa”.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập, hỗ trợ hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá. Đồng thời có chính sách giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, động viên ngư dân bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. (trích tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước) |
Tổng bí thư cho rằng “để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, trước hết cần quan tâm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và trình độ các mặt của giai cấp công nhân, đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân, chăm lo lợi ích thiết thân của đội ngũ công nhân, lao động, nhất là về giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác…”.
Tổng bí thư đặt ra yêu cầu với tổ chức công đoàn: “Trong giai đoạn hiện nay, công nhân lao động nước ta có trình độ nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, kỹ thuật, trình độ hiểu biết về mọi mặt ngày càng cao, tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng cũng ngày càng cao cho nên công tác vận động, thuyết phục, hình thức công tác của tổ chức công đoàn cũng phải thường xuyên đổi mới phong phú hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp và thiết thực đến từng đối tượng, tránh máy móc, đơn giản, tẻ nhạt và khắc phục tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa đoàn viên, xa người lao động”.
Lương tối thiểu phải đủ sống
Trước đông đủ các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc, Tổng liên đoàn Lao động VN đã trình bản tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước. Bản kiến nghị đã nêu cụ thể nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề bức xúc, cấp bách đối với đời sống và tương lai của công nhân, người lao động.
Theo phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Thị Thu Hồng, thời gian qua tình hình nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp là rất lớn, gây khó khăn và thiệt hại cả về trước mắt và lâu dài đối với người lao động và quỹ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đông đảo người lao động đề nghị Nhà nước phải có giải pháp thích hợp khắc phục tình trạng này. “Đề nghị Quốc hội bổ sung tội danh trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội nhưng vẫn cố tình không thực hiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – bà Hồng trình bày. Đặc biệt, đông đảo công nhân, viên chức, người lao động đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình dự thảo Luật tiền lương tối thiểu trong năm 2014 nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật lao động và kết luận của Hội nghị trung ương 5.
Công nhân, người lao động đề nghị các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với công nhân, người lao động phải được rà soát lại, trước mắt “cần tập trung vào một số vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân như: nhà ở, các công trình phúc lợi: khu sinh hoạt văn hóa – thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, các khu công nghiệp tập trung; tiền lương, bảo hiểm xã hội…”. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại hoặc có nguy cơ cao mất an toàn lao động; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm các quy định của pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Nguồn: tuoitre.vn