Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội VN cho mình có lý và sẽ có một công văn mới tiếp tục đề nghị bệnh viện thương lượng lại với nhà thầu, nếu giá thuốc chênh lệch quá cao so với giá phổ biến.
Trong khi đó, Bộ Y tế một mặt bác công văn của bảo hiểm xã hội, một mặt họ khẳng định công văn này là trái luật, mặc dù không phải những yêu cầu trong công văn là sai. Vì thế, dù giá thuốc trúng thầu vừa qua có cao thì vẫn phải “để đấy” để các cơ quan chức năng được luật cho phép làm việc.
Đây không phải là lần đầu tiên có thắc mắc về giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện. Chỉ tính riêng năm 2012, Bảo hiểm xã hội VN đã công bố hai danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện với giá chênh lệch bất thường, cùng một thuốc, một hoạt chất, trúng thầu tại cùng một địa phương mà giá lại khác nhau. Còn tại bệnh viện, chuyện giá thuốc vẫn đang gây nhiều nỗi nhức nhối, nhất là vấn nạn chỉ định thầu, mỗi nơi mỗi giá, chưa kể nạn doanh nghiệp dược thao túng ở các địa phương, không ai chen chân vào được để cạnh tranh đấu thầu.
Có lẽ chính bởi lý do này mà lần này Bảo hiểm xã hội VN “mạnh tay” có văn bản khống chế trần thanh toán ở năm hoạt chất có tỉ lệ sử dụng nhiều tại bệnh viện, bằng cách công bố và yêu cầu thanh toán theo giá phổ biến.
Đừng để người bệnh phải chịu thiệt. Có rắc rối một loại thuốc nhiều giá hay không? Có. Có nên thương lượng lại để giá thuốc hợp lý hay không? Rất nên, vì chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi trên 1 tỉ đồng sau khi rà soát giá 20 loại thuốc. Lẽ ra trong trường hợp này, thay vì trách cứ cơ quan bảo hiểm, Bộ Y tế nên có văn bản yêu cầu bệnh viện có thuốc trúng thầu giá cao hơn thương thảo lại giá thuốc, bằng quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình chứ không nên chỉ ngồi trách cứ cơ quan bảo hiểm.
Có đến 60% trong số 40.000 tỉ đồng chi cho khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong năm nay là chi mua thuốc và khoảng phân nửa số đó là phần chi mua thuốc từ 32% dân số chưa có bảo hiểm y tế. Nếu chỉ cần tiết kiệm 1-2% từ khoản chi khổng lồ này, đã có thêm nhiều người được chữa bệnh mà không cần bất kỳ mạnh thường quân là công ty dược nào. Nhưng thật tiếc thay vì nhìn thấy cơ hội ấy, Bộ Y tế chỉ thấy mình là đúng. Trong khi ấy thì người bệnh, dù có bảo hiểm hay không đều bị thiệt vì phải mua thuốc giá cao.
Nguồn: tuoitre.vn