Phóng to |
Doanh nghiệp có nộp BHXH, người lao động mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp – Ảnh: VĂN GIANG |
Tính đến ngày 31-5, ở Khánh Hòa có hơn 1.300 DN nợ BHXH với tổng số tiền 70 tỉ đồng. Trong đó đáng lưu ý có nhiều DN nợ hàng tỉ đồng kéo dài nhiều năm.
Ăn nên làm ra vẫn… nợ
Nguyên nhân nợ BHXH mà các DN đưa ra hầu hết là do đang làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi. Ông Nguyễn Đức Hà – giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, một trong những DN có số nợ BHXH lớn ở Khánh Hòa (3,2 tỉ đồng) – phân trần: “Thực chất chúng tôi không muốn nợ BHXH để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chỉ vì gần đây chúng tôi làm ăn chỉ đủ trả lãi vốn vay cho ngân hàng. Hiện nay ngân hàng cũng đang chia sẻ với chúng tôi khó khăn, bên thuế cũng đang cho chúng tôi giãn nợ. Do đó, BHXH cũng nên chia sẻ với DN, tạo điều kiện để chúng tôi tháo gỡ khó khăn, trả nợ từng bước…”. Được biết, công ty này đã cam kết trả nợ BHXH mỗi ngày 20 triệu đồng, tức mỗi tháng công ty sẽ thanh toán nợ là 600 triệu đồng; nhưng trong tháng 5-2012 công ty chỉ trả hơn 120 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Hùng Chính – phó giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa – cho rằng: “Cũng có DN thua lỗ do tình hình kinh tế thế giới suy thoái không đủ sức nộp BHXH. Nhưng cũng có nhiều DN ăn nên làm ra vẫn cố tình không nộp BHXH theo đúng quy định. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức đối thoại DN và thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra nhắc nhở, rồi xử phạt, nhưng có các DN làm ăn được vẫn cố tình không nộp…”.
Hiện nay, mức phạt tối đa đối với DN nợ BHXH là 30 triệu đồng chưa đủ mạnh để các DN thực hiện nghiêm túc. Theo ông Chính, có rất nhiều DN chấp nhận chịu xử phạt vài chục triệu đồng, hơn là phải nộp BHXH từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Khi cơ quan chức năng tới kiểm tra, thanh tra, xử phạt có nhiều DN lại đối phó trả nợ theo kiểu nhỏ giọt, rồi lại tiếp tục nợ… Mặt khác, các DN nợ BHXH sẽ được tính lãi chậm nộp là 14,2%/năm. Số lãi này vẫn thấp hơn nhiều so với mức lãi của ngân hàng, nên nhiều DN sẵn sàng chấp nhận bị phạt để gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi.
Nợ BHXH, DN được lợi còn người lao động thì bị thiệt thòi. Ông Mai Xuân Trí, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Khánh Hòa, phân tích: “DN nợ BHXH tức là đã chiếm dụng quyền lợi của người lao động. Bởi khi DN nợ BHXH thì các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tai nạn lao động… của người lao động sẽ không được giải quyết”.
Khởi kiện ra tòa
Theo ông Trí, để cải thiện tình hình nợ BHXH kéo dài, cơ quan BHXH tỉnh cần phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân các DN nợ BHXH với số tiền lớn kéo dài. “Đối với những DN thật sự khó khăn thì nên chia sẻ, tạo điều kiện cho DN vượt khó, từng bước trả nợ. Còn đối với những DN cố tình nợ dai dẳng cần nhanh chóng khởi kiện ra tòa để bảo đảm quyền lợi cho người lao động” – ông Trí nói.
Ngày 20-6, ông Lê Hùng Chính cho biết việc khởi kiện các DN nợ BHXH ra tòa đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Trước mắt, BHXH Khánh Hòa đã chính thức gửi đơn cho TAND tỉnh và TAND TP Nha Trang khởi kiện 10 DN nợ BHXH với số tiền lớn và lâu năm là: Công ty TNHH Phu Shin, Công ty TNHH Sao Đại Hùng, Công ty TNHH thực phẩm Sakura, Công ty TNHH Phương Long Bình, Công ty TNHH Long Shin, Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 505, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lâm sản Nha Trang, Công ty TNHH thủy sản Vân Như.
Nguồn: tuoitre.vn