Lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng
Phiên họp ngày 29.6, Quốc hội thống nhất từ ngày 1.7, tăng lương cơ sở lên 30%, cụ thể tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng (tăng 540.000 đồng). Khi lương cơ sở tăng lên thì các khoản, trợ cấp sau đây thay đổi:
Thứ nhất, tăng tiền lương của người làm cho nhà nước (theo công thức tiền lương = lương cơ sở x hệ số lương). Ví dụ, với cán bộ đang hưởng lương theo hệ số 2,34 thì tiền lương sẽ = 2,34 x 2.340.000 = 5.475.600 đồng (tăng 1.263.600 đồng so với mức lương cũ là 4.212.000 đồng).
Thứ hai, tăng mức phụ cấp (mức phụ cấp = lương cơ sở x hệ số phụ cấp hiện hưởng) và như tại TP.HCM, tính thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 năm 2023 của HĐND TP.HCM cũng sẽ tăng, do công thức tính mức thu nhập tăng thêm/tháng = hệ số lương + hệ số phụ cấp chức vụ (nếu có) x mức lương cơ sở x 1,5 (hệ số thu nhập tăng thêm).
Tăng lương cơ sở từ 1.7, thu nhập của người làm nhà nước thay đổi thế nào?
Thứ ba, thay đổi về mức hưởng lương hưu tối thiểu và các chế độ, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) đang tính theo mức lương cơ sở (cần lưu ý, theo Quốc hội, luật BHXH mới sẽ quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”). Cụ thể gồm:
- Mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở, tức = 2.340.000 đồng.
- Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con, tức = 4.680.000 đồng/lần/con.
- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (= 23.400.000 đồng).
- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (= 1.170.000 đồng). Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (= 1.638.000 đồng).
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở (tức mức hưởng tối đa = 11.700.000 đồng).
- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản (hoặc đối với người lao động dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau theo quy định) một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tức = 702.000 đồng/ngày.
- Mức trợ cấp một lần cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đơn cử, nếu người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở (= 11.700.000 đồng); sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (= 1.170.000 đồng). Ngoài ra, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở (= 702.000 đồng/tháng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở (= 46.800 đồng). Hay, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (= 84.240.000 đồng)…
Thứ tư, thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình. Người đầu tiên trong hộ gia đình sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở (= 105.300 đồng/tháng); người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lương tối thiểu vùng 1 tăng lên 4.960.000 đồng/tháng và 23.800 đồng/giờ
Mức lương tối thiểu theo tháng tăng lên từ ngày 1.7 so với mức lương trước đây:
Vùng |
Mức lương tối thiểu theo tháng trước đây (đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu theo tháng tăng từ ngày 1.7 (đồng/tháng) |
Tăng (đồng/tháng) |
Vùng I |
4.680.000 |
4.960.000 |
280.000 |
Vùng II |
4.160.000 |
4.410.000 |
250.000 |
Vùng III |
3.640.000 |
3.860.000 |
220.000 |
Vùng IV |
3.250.000 |
3.450.000 |
200.000 |
Mức lương tối thiểu theo giờ tăng lên từ ngày 1.7 so với mức lương trước đây:
Vùng |
Mức lương tối thiểu theo giờ trước đây (đồng/giờ) |
Mức lương tối thiểu theo giờ tăng từ ngày 1.7 (đồng/giờ) |
Tăng (đồng/giờ) |
Vùng I |
22.500 |
23.800 |
1.300 |
Vùng II |
20.000 |
21.200 |
1.200 |
Vùng III |
17.500 |
18.600 |
1.100 |
Vùng IV |
15.600 |
16.600 |
1.000 |
Với mức lương tối thiểu vùng mới, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh mức lương mới. Điều này dẫn đến lương của người lao động có thể tăng lên.
Khi lương tăng sẽ làm tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động. Theo tỷ lệ thuận, lương hưu hằng tháng cũng sẽ tăng lên (điều này cũng tương tự với người lao động làm cho cơ quan nhà nước). Hiện nay, mức lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng lương hưu x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (gồm cả BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện).
Ngoài ra, theo Kết luận 83-KL/TW của Bộ Chính trị, tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng đối với các diện đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo quy định.
Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3.200.000 đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; nếu có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3.500.000 đồng/tháng.
Cùng với đó, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng/tháng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Nguồn: thanhnien.vn