Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính về việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đối với 4 DNBH hồi cuối tháng 6 đã chỉ ra một số sai phạm và đưa ra nhiều đề nghị khắc phục đi kèm. Ông đánh giá như thế nào về động thái của các DN trong vấn đề khắc phục những sai phạm theo đề nghị của cơ quan thanh tra Bộ Tài chính?
Ông Ngô Trung Dũng: Các DNBH đang tích cực khắc phục những tồn tại đã được nêu trong các báo cáo thanh tra và có báo cáo với Bộ Tài chính. Ví dụ, mặc dù thời hạn cuối cùng Bộ Tài chính đưa ra để nhận báo cáo kế hoạch khắc phục kết luận thanh tra là ngày 15.8, tuy nhiên theo tôi được biết, ngay ngày 5.7, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) đã gửi báo cáo tới Bộ Tài chính.
Báo cáo này cho thấy, MB Ageas Life đã khắc phục triệt để những tồn tại về công tác quản lý tài chính. Đến ngày 6.7, công ty đã hoàn thành việc nộp thuế bổ sung – một trong những nội dung quan trọng mà cơ quan thanh tra yêu cầu.
Về các đại lý tổ chức, MB Ageas Life đã chủ động loại bỏ toàn bộ các chi phí thực hiện chương trình thi đua cho chi nhánh và nhân viên của các đại lý tổ chức. Kể từ sau khi Bộ Tài chính đưa ra kết luận thanh tra, công ty đã cho dừng triển khai các chương trình thi đua này…
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam rất hoan nghênh động thái nhanh nhạy của MB Ageas Life cũng như các DNBH khác trong việc khắc phục, xử lý các vấn đề đã nêu trong báo cáo thanh tra, có báo cáo kịp thời đúng thời hạn quy định với Bộ Tài chính cũng như thông tin kịp thời, đầy đủ với các cơ quan báo chí.
Sau kết quả thanh tra 4 DNBH vừa rồi, từ nay tới cuối năm, còn nhiều DN tiếp tục được thanh tra. Trong bối cảnh hiện tại, ông có khuyến cáo gì cho các DNBH nhằm “xốc” lại hoạt động, đặc biệt trong vấn đề bán bảo hiểm qua ngân hàng?
Các DN nên thảo luận với các ngân hàng đối tác bán bảo hiểm của mình, rà soát, thống nhất cùng đối tác bổ sung thêm những quy định trong các thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên nhằm tăng cường khả năng giám sát chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng hoạt động đại lý bảo hiểm; quy định các biện pháp chế tài xử phạt các cá nhân vi phạm và có biện pháp, cơ chế để thực hiện hiệu quả việc phát hiện, xử lý vi phạm.
DNBH và ngân hàng đối tác cũng nên thảo luận việc đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 (K2) vào trong thỏa thuận hợp tác như là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động bancassurance (mô hình liên kết kinh doanh giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm).
DNBH cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ như cuộc gọi kiểm tra thông tin trước khi phát hành hợp đồng, cuộc gọi chào mừng trong thời gian cân nhắc 21 ngày, hoạt động mua hàng ẩn danh…
Ngoài ra, tôi cho rằng DNBH cần có hành động mạnh mẽ, xử lý mạnh mẽ hơn khi phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, cung cấp thông tin, tố giác tới các cơ quan chức năng để tăng tính răn đe.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã và đang có những giải pháp ra sao nhằm đồng hành, hỗ trợ các DNBH, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tiến tới góp phần minh bạch hơn thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm minh bạch hóa thị trường bảo hiểm: rà soát lại tổng thể quy trình bán hàng, quy trình dịch vụ khách hàng, hợp đồng đại lý bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính…
Tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt đại lý bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trực tiếp hoạt động đại lý bảo hiểm trong tổ chức hoạt động đại lý vi phạm nguyên tắc hoạt động đại lý và các nghĩa vụ của đại lý theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm…
Sau kết luận thanh tra, các DN cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp nêu trên để củng cố lại hình ảnh của ngành, lấy lại niềm tin của khách hàng.
Là “cầu nối” giữa cộng đồng DN bảo hiểm với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có kiến nghị, đề xuất gì tới cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh?
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có hiệu lực từ năm nay và Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm cũng được ban hành ngày 1.7; sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn chi tiết.
Chúng tôi tin tưởng những quy định mới của luật sẽ góp phần đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng bền vững, lành mạnh. Hiệp hội mong cơ quan quản lý sẽ tích cực hợp tác, hỗ trợ trong công tác hướng dẫn, kịp thời giải đáp vướng mắc liên quan đến những quy định pháp luật mới về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để DNBH và các bên tham gia thị trường thuận tiện trong việc thực thi đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, liên quan đến những quy định mới trong luật dẫn đến những thay đổi điều chỉnh lớn trong quy trình hoạt động của DNBH, chúng tôi mong cơ quan quản lý nghiên cứu đưa ra những quy định về thời gian chuyển tiếp phù hợp để DNBH có thể thực hiện được.
*Xin cảm ơn ông!
Nguồn: thanhnien.vn