Thế nhưng đa số các trường hợp phần thua thuộc về khách hàng vì không đủ bằng chứng, vì rơi vào thế nắm dao đằng lưỡi, vì không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, vì quá cần vay tiền nên chặc lưỡi cho xong…
Thế nhưng kết quả thanh tra 4 công ty bảo hiểm (BH) của Bộ Tài chính đã phản ánh sự thật về “cuộc hôn phối” này thông qua những con số. Đầu tiên là tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lên đến 73%. Câu hỏi đặt ra là, vì sao khách hàng bỏ tiền mua BH rồi hủy để mất toàn bộ số tiền đã đóng trong năm đầu tiên? Xin thưa, vì họ bị ép phải mua chứ thực sự không có nhu cầu. Nhưng không mua thì không được vay tiền, mà cần tiền thì mới đi vay. Thế nên khách hàng vẫn phải chấp nhận. Người vay ít mua ít, người vay nhiều mua nhiều, có người có tới cả chục hợp đồng BH trong nhà thì chỉ có cách hủy chứ làm sao đủ sức theo đuổi.
Nhưng hệ quả không dừng ở đây, chi phí vốn của người dân, doanh nghiệp (DN) đã bị đôn lên bởi tình trạng bán “bia kèm lạc” của các ngân hàng (NH). Thực ra trước khi có kết quả thanh tra chính thức, nhiều người đã kiến nghị, để biết NH có ép khách hàng mua BH hay không, cứ căn cứ trên tỷ lệ hủy hợp đồng là rõ. Dù vậy, việc một công ty BH có tới 73% khách hàng hủy bỏ hợp đồng sau năm thứ nhất vẫn gây bất ngờ. Có lẽ không ở đâu, ở lĩnh vực nào mà người dân, DN bị ép uổng như khi tới NH vay tiền.
Ở đầu ngược lại, các nhà băng thu lợi hàng ngàn tỉ đồng từ việc bán BH. Cũng vì món lợi kếch sù này mà nhiều nhân viên NH bất chấp để bán, để ép khách hàng mua BH nhân thọ dù biết rằng làm vậy chẳng khác nào dồn họ vào đường cùng.
Kết luận thanh tra cũng giúp ngân sách thu về hàng trăm tỉ đồng thuế thu nhập DN do các DN BH hạch toán chi phí chưa đúng quy định liên quan đến hoạt động bancassurance (bán BH qua kênh NH). Những năm trước đó, con số truy thu của một số DN mang lại cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng…
Đáng báo động hơn là kết quả trên mới chỉ là thanh tra bán sản phẩm BH qua NH tại 4 DN BH nhân thọ, gồm: Công ty TNHH BH nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH BH nhân thọ Prudential, Công ty TNHH BH nhân thọ Sun Life Việt Nam và Công ty TNHH BH nhân thọ MB Ageas ở năm 2021 và các thời kỳ có liên quan. Còn một loạt “ông lớn” BH đình đám trên thị trường chưa có tên trong danh sách này mà nếu tiếp tục thanh tra, chắc chắn sẽ còn lộ diện ra nhiều vấn đề, nhiều bất cập khác nữa.
Cũng xin nhắc lại rằng, mô hình kết hợp BH với NH về bản chất là tạo tiện lợi cho khách hàng có nhu cầu. Thế nhưng vì lợi nhuận, mô hình này đã bị biến tướng, gây tổn hại niềm tin cho khách hàng của cả hai bên và hệ lụy cho xã hội. Tình trạng này gây bức xúc dư luận đã nhiều năm, báo chí cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực phản ánh nhưng vấn đề cứ khơi lên rồi lại chìm xuống, không được xử lý đến cùng.
Vì vậy, dư luận vẫn đang trông đợi Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra, rà soát toàn bộ các NH bán chéo BH để khách hàng đi vay tiền không bị ép uổng và trả lại sự minh bạch cho thị trường này.
Nguồn: thanhnien.vn