Ngày 26.12.2011, Công ty TNHH Huada Furniture VN (100% vốn của Đài Loan, đóng tại KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, gọi tắt Công ty Huada) ký hợp đồng với Công ty CP PJICO chi nhánh Đồng Nai (viết tắt PJICO Đồng Nai) mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thời hạn 1 năm (từ ngày 6.1.2012 đến 6.1.2013). PJICO Đồng Nai cũng đã cấp đơn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và xuất hóa đơn VAT. Ngày 12.1.2012, nhà xưởng của Công ty Huada bị hỏa hoạn thiêu rụi máy móc và thiết bị, thiệt hại lên đến 50 tỉ đồng. Sau vụ cháy, Huada gửi văn bản yêu cầu phía PJICO Đồng Nai thực hiện nghĩa vụ bồi thường như đã thỏa thuận trong hợp đồng và tổ chức giám định tổn thất thực tế, nhưng phía bảo hiểm từ chối trách nhiệm vì cho rằng hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực.
Thắng kiện vẫn chưa lấy được tiền
|
|
Theo giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong trường hợp Công ty TNHH Huada Furniture VN đồng ý mua bảo hiểm (bằng nhiều hình thức như email, fax, nhắn tin…) và bên bán bảo hiểm chấp thuận, đồng ý cung cấp hợp đồng bảo hiểm có thời hạn cho bên mua thì lúc này hợp đồng đã phát sinh hiệu lực, kể cả trường hợp bên mua chưa kịp ký hợp đồng (vì lý do đi công tác chẳng hạn). Trường hợp hợp đồng không phát sinh hiệu lực khi anh không thanh toán tiền đúng theo thời gian thỏa thuận (thường thì thanh toán trong vòng 30 ngày) hoặc có văn bản từ chối.
|
|
|
Ngày 25.11.2013, Công ty Huada nộp đơn khởi kiện Tổng công ty CP bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ra tòa, đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng bảo hiểm với số tiền 57,6 tỉ đồng (tổn thất về tài sản và tiền lãi chậm thanh toán). Ngày 29.9.2015, TAND TP.Biên Hòa xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của Công ty Huada. Theo nhận định của hội đồng xét xử (HĐXX), vào thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng (ngày 6.1.2012), phía Công ty Huada vẫn chưa ký kết hợp đồng và cũng không có văn bản nào thông báo cho phía PJICO về việc giao kết hợp đồng. Theo điều 570 bộ luật Dân sự quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm “phải được thành lập văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm”.
Ngay sau khi nguyên đơn kháng cáo, ngày 2.2.2016, TAND tỉnh Đồng Nai lại sửa án sơ thẩm, buộc PJICO phải bồi thường cho Công ty Huada 57,6 tỉ đồng. HĐXX viện dẫn điều 405 bộ luật Dân sự: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Thắng kiện, phía Công ty Huada làm đơn thi hành án và được chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai ra quyết định kê biên bằng cách phong tỏa tài khoản của PJICO tại Hà Nội. Tuy nhiên, phía ngân hàng từ chối, không chuyển tiền cho cơ quan thi hành án với lý do PJICO có đơn khiếu nại.
Đến ngày 13.6.2016, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai với lý do tương tự như HĐXX cấp sơ thẩm đã nhận định (thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản). Đến lúc này, mọi hoạt động tố tụng đều phải dừng lại để chờ phán quyết của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm.
Bên bờ vực phá sản
Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành T.Ư, ông Hsieh Chung Pao, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huada Furniture VN, đã kể lại 1 hành trình đòi tiền bảo hiểm hết sức gian nan, kéo dài hơn 4 năm. Tưởng chừng như vụ án kết thúc bằng phiên tòa phúc thẩm thì PJICO tìm cách trì hoãn thi hành bản án, trốn tránh nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường bảo hiểm gây ra vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp.
“Công ty Huada đang trên bờ vực phá sản, hơn 2.000 lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài. Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị tới Thủ tướng có biện pháp can thiệp và có hướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để Công ty Huada sớm tìm lại công lý, có nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng, mang lại lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động VN đã mất việc làm do vụ hỏa hoạn gây ra”, ông Hsieh Chung Pao nêu trong đơn.
Nguồn: thanhnien.vn
Related