Như Thanh Niên thông tin, trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm, thay vì đóng BHXH từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu.
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia và tầng lớp nhân dân, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ dự kiến vào tháng 7 tới. Dự thảo sửa đổi luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1.1.2024.
“Cách thức thực hiện và lộ trình triển khai tùy thuộc vào quá trình lấy ý kiến. Có thể ban soạn thảo sẽ đưa ra mốc thời điểm 15 năm và 10 năm hoặc thực hiện theo phương án 15 năm trước và để mở phương án 10 năm trong tương lai”, ông Nam thông tin.
Chính sách tốt, nên thông qua sớm
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng đề xuất này rất nhân văn, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu. “Đề xuất trên rất phù hợp, nhất là với tình hình già hóa dân số ngày một tăng nhanh như hiện nay”, BĐ Vũ Bình ý kiến.
Tương tự, BĐ Vũ nêu quan điểm: “Rất đồng tình với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH. Vì khi lớn tuổi không tham gia lao động cũng không sợ phải nhờ vào trợ cấp của con cái hoặc của xã hội. Góp phần làm giảm áp lực khi về già không có công ăn việc làm, ổn định hơn cho người già không nơi nương tựa”.
“Theo tôi thì đóng 15 năm bảo hiểm lãnh lương hưu cũng được, cứ tính theo phần trăm, đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều thì hưởng nhiều”, BĐ Cong Tru đề xuất.
BĐ Thai cho rằng “đề xuất đóng BHXH 10 – 15 năm được nhận lương hưu đúng tâm tư nguyện vọng của biết bao nhiêu công nhân, viên chức, mang tính nhân văn trong xã hội, cần sớm thông qua chủ trương trên”.
Cùng quan điểm, BĐ Phong Vu ý kiến: “Thay đổi hạch toán để thêm nhiều công nhân khi già yếu được nhận BHXH là một bước tiến rất đáng hoan nghênh, rất nên triển khai ngay. Nhưng tôi mong một mạng lưới an sinh xã hội toàn diện hơn lương hưu”.
Lương hưu phải trang trải được cuộc sống
Nhiều ý kiến cũng đề nghị giảm tuổi hưởng lương hưu xuống, đồng thời các ban ngành phải tính toán để lương hưu có thể giúp người hưởng trang trải được cuộc sống. “Theo tôi thì nên giảm tuổi hưởng lương hưu xuống vì có rất nhiều người chỉ hưởng được mấy tháng lương hưu thì đã qua đời”, BĐ Chu Thị Sự đề nghị.
“Ý kiến đề xuất 15 năm tham gia BHXH là phù hợp, nhưng cũng cần tính toán mức lương hưu tối thiểu để đảm bảo đồng lương hưu có thể đủ trang trải cuộc sống tuổi về già thì chắc chắn sẽ thu hút, hấp dẫn nhiều người tham gia BHXH”, BĐ Du Va ý kiến.
Tương tự, BĐ Mạnh Thắng cho rằng: “Đóng 10 hay 20 năm không quan trọng, cái chính là mức lương hưu tối thiểu để có thể duy trì cuộc sống mới cần tính (mức sàn)”.
“Mục đích của phần lớn người tham gia bảo hiểm là khi về già có một khoản tiền đủ chi tiêu hằng ngày không nhờ đến con cháu. Vì vậy đóng tối thiểu 10 năm vẫn được lãnh lương hưu với mức tính phù hợp. Vẫn khuyến khích người lao động đóng thời gian dài vì đóng càng lâu thì tính lương hưu cũng sẽ cao hơn”, BĐ Lê Nhì góp ý.
Nguồn: thanhnien.vn