Ông Phúc cho biết trên cơ sở dự toán Chính phủ giao xuống các địa phương hằng năm, BHXH cấp tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế và các sở liên quan để tham mưu việc giao nguồn kinh phí này đến các cơ sở KCB. Thường các địa phương không phân giao hết toàn bộ dự toán cho các cơ sở KCB mà giữ lại một tỷ lệ nhất định để dự phòng, bổ sung cho các đơn vị trong một số trường hợp như mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn, thành lập cơ sở KCB mới…
Cơ quan BHXH Việt Nam phải kiểm soát chi theo dự toán Chính phủ giao. Tuy nhiên, cuối năm, khi xác định tổng mức thanh toán theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP (trên cơ sở số chi KCB năm trước được quyết toán và các yếu tố tăng giảm trong năm như tăng số thẻ KCB, sử dụng thuốc mới, sử dụng vật tư y tế mới; thay đổi cơ cấu bệnh tật; mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn…), trường hợp vượt dự toán sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung.
Liên quan gia tăng dự toán KCB BHYT tại TP.HCM, ông Phúc cho hay theo báo cáo của BHXH TP.HCM, từ tháng 1 – 8, chi KCB BHYT chiếm 64,27% dự toán giao (giảm 6,27% so với cùng kỳ năm trước). “Với số liệu trên, những tháng cuối năm TP.HCM vẫn còn đủ để chi. Đồng thời, BHXH TP.HCM cũng đã cam kết với lãnh đạo BHXH Việt Nam là năm 2020 sẽ đảm bảo cân đối chi trong dự toán được Chính phủ giao. Có thể ở một vài cơ sở KCB dự báo không đủ chi trong nguồn kinh phí giao thì cơ sở đó phải báo cáo, giải trình với Sở Y tế để cùng BHXH họp, báo cáo đề xuất điều tiết trong nội bộ”, ông Phúc nói.
Trong trường hợp khi quyết toán cuối năm, sau khi xác định tổng mức thanh toán, TP.HCM bị vượt dự toán thì sẽ báo cáo BHXH Việt Nam để tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý trình Thủ tướng bổ sung.
Cũng theo ông Phúc, tình trạng vượt dự toán KCB BHYT không chỉ xảy ra tại TP.HCM mà còn xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác. Về mặt giải pháp, các cơ sở KCB phải thực hiện chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả bằng cách lựa chọn sử dụng thuốc, vật tư y tế có giá cả hợp lý, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh; giảm ngày điều trị nội trú…
Bên cạnh đó, BHXH phối hợp với Sở Y tế các địa phương rà soát chi phí tại các cơ sở, tham mưu với UBND cấp tỉnh để điều tiết giữa các cơ sở, sử dụng kinh phí giữ lại chưa phân bổ để bổ sung cho các cơ sở KCB trong phạm vi thuộc thẩm quyền của địa phương.
Bên cạnh đó, theo ông Phúc, BHXH Việt Nam cũng đã có hướng dẫn về việc xác định nguồn của năm sau. BHXH các địa phương phải xây dựng, đề xuất sát với tình hình thực tế, khả năng cân đối nguồn mà vẫn đảm bảo nhu cầu KCB. Nhưng quan trọng hơn là các địa phương phải có trách nhiệm phân, giao nguồn đó về các cơ sở KCB đúng quy định, công bằng, minh bạch và các cơ sở KCB phải có trách nhiệm có các giải pháp quản lý sử dụng nguồn kinh phí được giao một cách hiệu quả nhất.
“Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện thanh toán theo nhóm chẩn đoán và thanh toán theo định xuất. Khi đó sẽ tính ra chi phí của nhóm chẩn đoán. Nếu các đơn vị KCB tiết kiệm được nguồn lực thì sẽ khuyến khích nâng cao chất lượng, giảm chi phí”, ông Phúc thông tin. “Hiện số thu BHYT trong năm đã thấp hơn số chi, nguồn quỹ BHYT không phải là vô hạn. Khi giao dự toán BHYT cho các địa phương đã phải lấy từ quỹ dự phòng BHYT để giao”, ông Phúc bày tỏ.
Nguồn: thanhnien.vn