Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM) đã triển khai khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, hạn chế người tập trung tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đồng thời hạn chế số lượng người tập trung tại bệnh viện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Quận Thủ Đức đã triển khai khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.
Việc khám bệnh tại nhà chỉ áp dụng đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên, mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đang theo dõi và điều trị định kỳ tại Bệnh viện Quận Thủ Đức.
Đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, bác sĩ, điều dưỡng sẽ được phân công đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh.
Trường hợp người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại bệnh viện, nếu số lượng người bệnh đông, người bệnh ở xa,… bác sĩ sẽ thăm khám, trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh. Nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước gần nhất thì bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh đủ sử dụng trong 1 tháng.
Người bệnh có thể được nhân viên y tế giao thuốc tại nhà; hoặc người nhà có thể đến nhận thuốc cho bệnh nhân tại bệnh viện (có đầy đủ giấy tờ: chứng minh nhân dân của người đến lãnh thuốc thay, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác và thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh, người lãnh thuốc ký tên và ghi rõ mối quan hệ với người bệnh).
Bệnh nhân và thân nhân người bệnh có thể gọi điện thoại trực tiếp số điện thoại phụ trách của Bệnh viện Quận Thủ Đức để được tư vấn (trong giờ hành chính: 0934121669 – Đơn vị Chăm sóc tại nhà; ngoài giờ hành chính: 0966331010 – Tổ tiếp nhận thông tin).
Ưu tiên bệnh nhân trên 80 tuổi
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất chủ yếu là người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm hơn 80%.
Bệnh viện đã triển khai dịch vụ khám bệnh tại nhà nhưng chỉ đối với bệnh nhân trên 80 tuổi. Còn đối với nhóm bệnh nhân trên 60 tuổi thì vẫn khám tại bệnh viện.
“Vì số lượng bệnh nhân trên 60 tuổi khám, theo dõi, điều trị định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất rất lớn, hiện bệnh viện chưa thể đủ nhân lực để triển khai khám hết cho các bệnh nhân trên 60 tuổi tại nhà”, bác sĩ Vũ giải thích.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho biết, các bệnh nhân trên 60 tuổi đang theo dõi, điều trị bệnh mạn tính ổn định tại Bệnh viện Thống Nhất được cấp thuốc theo tháng. Trong thời gian dịch Covid-19, bệnh nhân được cấp thuốc sử dụng trong 2 tháng (trước là 1 tháng). Mặt khác, bác sĩ vẫn khuyến cáo bệnh nhân và người nhà cần theo dõi sức khỏe tại nhà sâu sát, nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường, phải đi khám lại ngay.
Đối với bệnh nhân trên 80 tuổi được khám bệnh tại nhà thì quy trình tiếp nhận, thăm khám là: Bệnh nhân/người nhà gọi điện thoại đến bệnh viện, sẽ có tổ bác sĩ tiếp nhận, tư vấn. Bệnh nhân trình bày với bác sĩ về tình trạng, các triệu chứng.
Đối với các bệnh lý thông thường, bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ được bác sĩ hẹn giờ đến khám bệnh tại nhà, kê đơn vào sổ khám bệnh. Sau đó, người nhà có thể đến bệnh viện để lãnh thuốc cho bệnh nhân (mang theo đầy đủ các giấy tờ).
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng thì phải đến bệnh viện để được thăm khám, cấp cứu, xử trí kịp thời.
Ghi nhận hiện nay, nhiều bệnh viện tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai khám tại nhà đối với người trên 60 tuổi vì số lượng bệnh nhân này khá lớn, hầu như bệnh viện không đủ nhân lực, mà chỉ bước đầu ưu tiên khám tại nhà với bệnh nhân trên 80 tuổi.
“Để thăm khám tại nhà, đòi hỏi một ê kíp đi đủ chuẩn phải có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Như bệnh viện thông thường trung bình có khoảng 50 bệnh nhân trên 60 tuổi khám mỗi ngày thì phải cần 50 lượt ê kíp bác sĩ và điều dường đi khám tại nhà. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo số lượng y, bác sĩ làm việc thăm khám, điều trị tại bệnh viện”, một lãnh đạo bệnh viện quận phân tích.
Bên cạnh đó, theo Sở Y tế TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP.HCM chỉ chi trả BHYT khám chữa bện tại nhà với người từ 80 tuổi trở lên. Về chi phí khám chữa bệnh tại nhà với người từ 60 tuổi trở lên, đối với cơ sở y tế công lập chỉ thực hiện thu theo biểu giá khám chữa bệnh không thanh toán từ BHYT (dịch vụ); đối với cơ sở y tế ngoài công lập thì thực hiện thu theo giá đã thực hiện kê khai với Sở Y tế.
Các chi phí vận chuyển, đi lại khám cho người bệnh được ngân sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí hoạt động phòng chống dịch của TP.
Nguồn: thanhnien.vn