Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7, các ngân hàng buộc phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ.
Trước đây, nắm giữ từ 5% mới buộc phải công khai thông tin. Quy định mới áp dụng, từ đó lộ diện nhiều cá nhân, tổ chức “ôm” lượng lớn cổ phần ngân hàng.
“Ông lớn” bảo hiểm nắm cổ phần tại nhiều ngân hàng
Như Prudential Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này sở hữu cổ phần ít nhất tại 3 ngân hàng, với giá trị nhiều nghìn tỉ đồng.
Theo thông tin từ VietinBank (CTG), ngân hàng này có 3 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, trong đó Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam nắm hơn 57,6 triệu cổ phiếu, tương đương 1,07% vốn.
Người liên quan Prudential Việt Nam cũng nắm hơn 2,98 triệu cổ phần CTG, tương đương tỉ lệ 0,05%.
Ngoài CTG, Prudential Việt Nam còn nắm cổ phần tại ACB và MBB. Trong đó tại ACB, Prudential Việt Nam đã báo cáo việc họ nắm hơn 69,46 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ hơn 1,55% vốn ngân hàng này.
Ngoài ra, người liên quan của Prudential cũng sở hữu 350.635 cổ phiếu ACB, tương ứng 0,008% vốn.
Tại MB, danh sách được công bố cho thấy chỉ có 2 cổ đông nắm trên 1% vốn, trong đó Prudential Việt Nam sở hữu gần 65,72 triệu cổ phiếu, tương đương 1,24% vốn điều lệ ngân hàng.
Bên cạnh đó, người liên quan của công ty bảo hiểm này cũng sở hữu hơn 1,44 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn.
Quy đổi theo giá đóng cửa ngày 9-8, Bảo hiểm Prudential Việt Nam sở hữu hơn 1.800 tỉ đồng cổ phiếu CTG, hơn 1.650 tỉ đồng cổ phiếu ACB và hơn 1.550 tỉ đồng cổ phiếu MBB.
Như vậy, tổng giá trị nắm giữ danh mục 3 cổ phiếu nhà băng của Prudential khoảng 5.000 tỉ đồng.
Mảng đầu tư “cứu” Prudential Việt Nam sau lùm xùm ngành bảo hiểm
Năm 2023, ngành bảo hiểm nhân thọ với khủng hoảng niềm tin đã khiến nhiều công ty trong lĩnh vực này và ngay cả ngân hàng có hoạt động liên kết bán bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng đáng kể về kết quả kinh doanh.
Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam không ngoại lệ. Báo cáo tài chính riêng của công ty này cho thấy cả năm 2023, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 26.593 tỉ đồng, giảm 13% so với năm trước.
Tuy nhiên, công ty lại có khoản “cứu cánh” với doanh thu hoạt động tài chính gấp 2,6 lần cùng kỳ, đạt hơn 10.643 tỉ đồng. Phần lớn doanh thu này đến từ hoạt động đầu tư trái phiếu (hơn 4.924 tỉ đồng) và tiền gửi tại ngân hàng (hơn 3.111 tỉ đồng).
Trong khi đầu ra, ngoài chi phí bán hàng giảm, hầu hết các chi phí khác của Prudential Việt Nam đều tăng. Trong đó, đáng kể là tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm với 25.310 tỉ đồng, tức tăng hơn 4.800 tỉ đồng.
Năm ngoái, chi phí bồi thường và các quyền lợi bảo hiểm khác tăng mạnh lên 13.172 tỉ đồng từ mức hơn 9.559 tỉ đồng trong 2022. Song khoản chi hoa hồng cho bảo hiểm lại giảm hơn 24%, về 2.110 tỉ đồng.
Dù vậy, trong khi doanh số bán bảo hiểm giảm, tăng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm…, lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Prudential giảm “thảm hại” về mức 1.283 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vượt 10.000 tỉ đồng.
Cuối cùng, sau trừ các loại chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Prudential đạt 3.113 tỉ đồng, giảm hơn 14%.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Prudential đạt hơn 176.670 tỉ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản là trái phiếu Chính phủ (hơn 72.000 tỉ đồng) và tiền gửi ngân hàng.
Báo cáo tài chính riêng năm 2023 cũng cho biết số nhân viên tại công ty thời điểm cuối năm ngoái là 1.688 người, tăng 73 nhân sự sau 1 năm dù doanh số bán hàng giảm.
Được biết, Prudential Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Prudential, tập đoàn tài chính của Anh được thành lập từ năm 1848.
Nguồn: tuoitre.vn