Nợ BHXH phải tính lãi khoảng 7.647 tỉ đồng
Theo thống kê từ BHXH VN đến ngày 30.9, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 14,096 triệu người (đạt 96,2% kế hoạch giao). Trong đó, 9 tháng của năm 2018, toàn quốc phát triển được 499.972 người. Dự kiến 3 tháng cuối năm số người phải phát triển là 551.008 người.
Một số địa phương đạt tỷ lệ so với kế hoạch giao cao hơn tỷ lệ bình quân chung toàn là Thái Bình, Kiên Giang, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Đối với BHXH tự nguyện, đối tượng đã phát triển trong 9 tháng là 189.502 người, đạt 57,5% so với kế hoạch, số người còn phải phát triển trong 3 tháng cuối năm là 141.730 người. Những địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như Hải Dương, Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế…
Số đối tượng tham gia BHYT là 82 triệu người, đạt 98,4% kế hoạch giao, tăng 812.749 người so với năm 2017, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 87,3%.
Tại Hội nghị, BHXH một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ về kinh nghiệm cũng như những khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, công tác thanh tra, thu nợ.
Mặc dù toàn ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, tuy nhiên, tại hội nghị, BHXH các địa phương cũng đã chia sẻ không ít khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT vẫn còn cao; công tác phối hợp với bưu điện tại một số địa phương chưa tốt; chưa khai thác hiệu quả dữ liệu phát triển đối tượng tham gia…
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế địa phương khó khăn, DN cắt giảm sản xuất kinh doanh; địa phương qua giai đoạn phát triển “nóng”… những lý do khách quan ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng.
Ngoài cạnh những lý do trên, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN thẳng thắn nhìn nhận: “BHXH một số địa phương chưa chấp hành đầy đủ quy trình, quy định về khai thác, đôn đốc thu, thu nợ theo quy định của ngành; chưa quyết liệt tổ chức thanh tra đột xuất và xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT…”.
Quyết liệt giảm nợ đọng
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về phát triển đối tượng, giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT…, theo Phó tổng giám đốc Trần Đình Liệu, từ nay đến năm 2021, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm ngành BHXH còn rất nhiều việc phải làm. “BHXH các tỉnh phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc thanh tra, tập trung thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử phạt và gửi kết quả đến cơ quan chức năng cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, KH-ĐT và chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp phục vụ công tác phát triển đối tượng, giảm nợ”, ông Liệu nhấn mạnh.
Đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu, những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, BHXH các tỉnh phải tập trung đẩy mạnh đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động với từng nhóm đối tượng; mở rộng, tổ chức các hệ thống đại lý thân thiện với người dân, người lao động. Đồng thời, phải làm hết sức quyết liệt, tập trung thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT.
Nguồn: thanhnien.vn