Lương y như tháng 6
Chiều 4.7, khi nghe tin nhắn của ngân hàng thông báo chuyển tiền lương hưu, bà Nguyễn Thị Thanh (58 tuổi, trú P.Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hồi hộp mở điện thoại xem mức lương mới của mình. Thế nhưng, bà Thanh thất vọng vì lương vẫn y như tháng 6, không có gì thay đổi.
“Tôi về hưu được 3 năm, đây là lần thứ hai tôi được tăng lương. Đọc trên báo đài, biết lương hưu sẽ tăng từ ngày 1.7, cả tháng nay tôi mong chờ đến ngày nhận lương để cuộc sống hai vợ chồng được cải thiện đôi chút. Vậy mà, tin nhắn báo lương tháng 7 vẫn chỉ là hơn 1,7 triệu đồng/tháng. Với mức lương hưu thấp, tôi phải đi làm thêm tạp vụ, còn chồng chạy xe ôm để có thêm tiền nuôi con ăn học”, bà Thanh bày tỏ.
Vì sao người nghỉ hưu chưa được nhận lương tăng thêm từ 1.7?
Không riêng bà Thanh, trong các ngày 4 – 5.7, rất nhiều người cao tuổi ở Hà Nội sau khi nhận lương hưu trả qua tài khoản đều ngỡ ngàng vì chưa được tăng lương. Ông Đ.V.N (trú P.Tân Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: “Chủ trương tăng lương hưu đã có từ đầu năm, không phải là đột xuất hay bị động. Cùng được tăng lương từ ngày 1.7, nhưng vì sao công chức, viên chức lại được nhận lương trước, còn người nghỉ hưu lại chưa được nhận lương mới. Chúng tôi cần một lời giải thích từ phía cơ quan chức năng”.
Với nhiều người nghỉ hưu, lương hưu thậm chí chỉ 2 – 3 triệu đồng/tháng, mức tăng lương lần này không đáng kể nhưng là niềm mong mỏi khi tuổi già chỉ trông chờ vào đồng lương hưu. “Tôi là giáo viên về hưu với mức lương rất thấp. Tăng lương hưu để bù trượt giá, Nhà nước đã tính toán trước kế hoạch tăng lương từ ngày 1.7, nhưng lại phải đợi thêm vài tháng. Tôi đã hứa với thằng cháu nội, nếu cháu đỗ chuyên cấp 3, tháng 7 bà được nhận lương hưu mới sẽ có quà. Vậy mà, cháu đỗ chuyên, còn mình thì vẫn chưa được tăng lương hưu”, bà Nguyễn Thị Sơn (trú P.Phương Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội), nói.
Một giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) ở quận nội thành Hà Nội cho hay, từ đầu tuần đến nay, ngày nào bà cũng nhận được điện thoại của các cụ hưu trí thắc mắc lý do vì sao chưa tăng lương. “Có lẽ do nghị định ban hành vào ngày 29.6, sát với ngày 1.7 nên chưa có thông tư hướng dẫn kịp thời. Chúng tôi cũng đã giải thích, các quy định được thực hiện từ ngày 1.7, còn hiệu lực thi hành từ ngày 14.8. Các cụ sẽ được nhận truy lĩnh tiền tăng lương vào các tháng sau”, vị này nói.
Chờ hướng dẫn?
Để kịp thời chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 7 cho người hưởng, BHXH TP.Hà Nội vừa có thông báo về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Thông báo nêu rõ, từ ngày 1.7, điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trước ngày 1.1.2022.
Điều chỉnh tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ ngày 1.1.2022 đến trước ngày 1.7.
Còn đối với những người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1.1.1995, sau khi được điều chỉnh mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh lại. Cụ thể, người có mức lương hưu dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng, được tăng thêm 300.000 đồng. Người có mức lương từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng thì sẽ được tăng lên bằng 3 triệu đồng.
Do Nghị định 42/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 14.8 nên kỳ chi trả tháng 7, BHXH thành phố chưa điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng theo quy định tại nghị định này.
“Để kịp thời chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 7 cho người hưởng, cơ quan BHXH TP.Hà Nội tạm thời thực hiện chi trả theo mức hưởng tháng 6. Khi có thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH và văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH TP.Hà Nội sẽ thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định”, đại diện BHXH TP.Hà Nội cho biết.
Trước những bức xúc của người nghỉ hưu, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng theo lý giải trước đó của cơ quan soạn thảo, chọn thời thời điểm tăng lương hưu từ ngày 1.7 là để phù hợp với thời điểm tăng lương cơ sở. Lẽ ra cơ quan soạn thảo phải trình nghị định tăng lương hưu sớm hơn để chính sách thực hiện ngay trong tháng 7 giống như nghị định tăng lương cơ sở của khối cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Huân, việc chậm trễ trong ban hành chính sách khiến cho người nghỉ hưu cảm thấy hụt hẫng, không được coi trọng, cho dù sau này sẽ được lĩnh bù. “Mấy ngày hôm nay, rất nhiều anh em, bạn bè của tôi cũng gọi điện hỏi nhau thắc mắc vì sao chưa được tăng lương. Cho dù mức tăng lương hưu cũng chỉ thêm được vài trăm nghìn đồng/tháng, song thiết nghĩ cơ quan thực hiện là BHXH Việt Nam cũng phải có lời, ít ra cũng là nhắn tin hoặc thông cáo trên báo chí để giải đáp thắc mắc và để người dân yên tâm”, ông Huân nói.
9 nhóm đối tượng được tăng lương hưu
Theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP, điều chỉnh tăng lương hưu được áp dụng đối với các nhóm đối tượng sau đây: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 92/2009, Nghị định 34/2019, Nghị định 121/2003 và Nghị định 9/1998.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000 và Quyết định 613/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206/1979 của Hội đồng Chính phủ.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ của quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ của cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dưới 20 năm công tác trong công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng
Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1.1.1995.
Nguồn: thanhnien.vn