Mặc dù không có BHXH vì chỉ ở nhà nội trợ nhưng chị M.T.H. (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hết sức ngạc nhiên khi mình vẫn có tiền thai sản qua chồng.
“Chồng mình được tiền trợ cấp thai sản khi mình sinh là 2 tháng lương. Đồng thời, ảnh cũng được nghỉ việc theo chế độ thai sản khi có vợ sinh con”, chị H. nói. “Trước giờ mình không biết có việc này”, chị H. chia sẻ thêm.
Vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia thì có được hưởng trợ cấp thai sản không? Đó là câu hỏi không ít chị em chuẩn bị làm mẹ đặt ra.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: Việc vợ không có BHXH, chồng có BHXH, khi vợ sinh con thì chồng được chế độ thai sản đã được quy định trong Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
“Người lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con thì ngoài trợ cấp một lần khi sinh con còn được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản”, ông Sang cho biết.
Chị H. chỉ là một trong nhiều trường hợp hưởng chính sách này bắt đầu từ đầu năm 2016.
Theo thống kê của BHXH TP.HCM, từ ngày 1.1.2016 đến nay, tại TP.HCM đã giải quyết hưởng chế độ thai sản khi vợ không có BHXH nhưng chồng có BHXH cho 2.121 trường hợp hưởng trợ cấp một lần, với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BHXH TP.HCM cũng giải quyết hưởng chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con là 10.729 trường hợp, với số tiền là 13,4 tỷ đồng.
Theo ông Sang, việc vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia BHXH thì có được hưởng trợ cấp thai sản không, được quy định theo điểm e khoản 1 điều 31 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Theo đó, có quy định lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
“Như vậy, tại thời điểm người vợ sinh con nhưng không tham gia BHXH mà có chồng đang tham gia BHXH bắt buộc tại công ty thì người chồng đương nhiên được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”, Chuyên viên pháp lý Nguyễn Anh Tâm (Hãng luật Công Khánh), nhấn mạnh rõ.
Chồng được hưởng chế độ thai sản như thế nào?
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết: Trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì mức tiền hưởng trợ cấp thai sản của chồng bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.
Bên cạnh đó, khi vợ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH cũng được nghỉ 5 ngày làm việc. Trong trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì chồng được nghỉ 7 ngày làm việc.
Đặc biệt, trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
tin liên quan
Thẻ BHYT có dòng chữ này: Ít người biết và khó được miễn phí 100%
Nhiều người có bảo hiểm y tế (BHYT) giờ mới giật mình biết đóng liên tục trên 5 năm có thể được chi trả 100% viện phí. Tuy nhiên, đó chỉ là một điều kiện.
“Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con”, ông Sang chú ý.
Như vậy, “trong 30 ngày sau khi vợ sinh mà chồng không nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản thì được xem như tự từ bỏ quyền lợi của mình khi vợ sinh con và không được hưởng chế độ thai sản theo quy định”, Chuyên viên pháp lý Tâm, giải thích.
Theo đó, thủ tục để các ông bố vừa được “lên chức” hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh chỉ cần nộp bản sao giấy khai sinh của con cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang tham gia BHXH.
Người chồng được hưởng chế độ thai sản này với điều kiện là phải đóng BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con. Điều kiện này tương tự như điều kiện hưởng trợ cấp thai sản đối với lao động nữ sinh con.
Nguồn: thanhnien.vn