Bảo hiểm xã hội VN đã cử ngay một đoàn cán bộ vào làm việc với Cà Mau, xung quanh những thông tin bất thường trong việc khám bệnh ở Phòng khám đa khoa Phương Nam (P.4, TP.Cà Mau) mà Thanh Niên hôm qua phản ánh trong bài Ồ ạt đi khám bệnh để được… nhận quà.
Cụ thể, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), chiều qua cho biết đã cử Phó ban Thực hiện chính sách BHYT và cán bộ chuyên trách lên đường vào Cà Mau. “Dự kiến sáng 18.5 đoàn sẽ làm việc với BHXH Cà Mau. Tôi cũng đã chỉ đạo BHXH Cà Mau tạm dừng thanh toán, tạm ứng cho phòng khám (PK) Phương Nam, để chờ làm rõ, đồng thời lấy toàn bộ dữ liệu cho cán bộ BHXH VN phân tích và đưa ra nhận định. Nếu có lạm dụng thì kiên quyết từ chối thanh toán và cần thì ngưng hợp đồng và thanh lý theo đúng pháp luật”, ông Sơn nói.
Quá nhiều ưu ái !
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, PK Phương Nam là của bà Đặng Bé Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Sản – Nhi Cà Mau. Cuối năm 2014, khi bà Nam sắp đến tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lúc đó ký quyết định trái luật, kéo dài tuổi hưu cho bà thêm 3 năm, gây xôn xao dư luận ở địa phương (Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh). Hiện PK Phương Nam là đơn vị duy nhất của tỉnh này được BHXH Cà Mau phê duyệt danh mục thuốc thanh toán BHYT trong năm 2016 với số tiền lên đến 900 tỉ đồng, trong khi kết quả đấu thầu thuốc của Sở Y tế Cà Mau cho các đơn vị công lập trong tỉnh Cà Mau trong năm 2016 chỉ 440 tỉ đồng!
Thêm một điều khó hiểu là ngày 8.4.2016, ông Lưu Tri Âm, Phó giám đốc BHXH Cà Mau, ký văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong tỉnh, với nội dung cho các BV tuyến huyện trong tỉnh Cà Mau được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh nhân ngoài tỉnh (Kiên Giang, Bạc Liêu) cư trú ở các huyện giáp ranh với tỉnh Cà Mau. Dù công văn quy định rất rõ là chỉ có BV công tuyến huyện mới được thanh toán 100% BHYT cho đối tượng này, nhưng hiện hằng ngày lượng bệnh nhân ngoài tỉnh đến PK Phương Nam khám nhận quà rất lớn và họ cũng được PK này cho thanh toán 100% BHYT.
Trong khi đó, nhiều bác sĩ than với PV rằng ở BV nơi họ đang công tác BHXH khắt khe từng tí một trong chi trả BHYT. “Tôi mới phải bỏ tiền túi trả 25.000 đồng do bị BHXH xuất toán, với trường hợp bệnh nhân đến khám vừa viêm họng, vừa đau bụng nên tôi chỉ định siêu âm. Nhưng siêu âm không phát hiện bệnh, tôi cho thuốc xổ lãi nên bị xuất toán”, một bác sĩ ở Cà Mau nói.
Chiếm gần hết tiền BHYT toàn tỉnh
Cũng theo ông Lưu Tri Âm, trong năm 2014, PK Phương Nam được thanh toán BHYT tổng số tiền là 96 tỉ đồng; năm 2015 là 141 tỉ đồng. Riêng quý 1/2016, PK này thanh toán 143 tỉ đồng, chiếm hơn 73% tổng số tiền thanh toán BHYT trong toàn tỉnh (194 tỉ đồng); trong khi 3 BV lớn của tỉnh là BV Sản – Nhi chỉ thanh toán 11,9 tỉ đồng; BV đa khoa tỉnh Cà Mau 38 tỉ đồng và BV đa khoa TP.Cà Mau 7 tỉ đồng…
Khi PV đặt câu hỏi liệu PK Phương Nam có kê khống để “rút ruột” BHYT, ông Âm nói: “Trước giờ chúng tôi dựa trên cơ sở chứng từ quyết toán của PK, đơn thuốc… nếu thấy phù hợp thì phải thanh toán. Muốn làm rõ có kê khống hay không thì phải đến gặp từng người, xin toa thuốc về kiểm tra mới biết được. Chúng tôi đã thành lập tổ đi cơ sở để kiểm tra, gặp người bệnh xem thực sự có bệnh không. Nếu phát hiện có gian dối, thì ngoài xuất toán sẽ cắt hợp đồng với đơn vị đó”.
PV hỏi thực tế trong quá trình kiểm tra, BHXH cũng phát hiện PK Phương Nam có nhiều sai phạm, sao ông lại cho rằng hồ sơ hợp lệ? Ông Âm lý giải: “Cũng có nhắc nhở nhưng gần đây mới có hiện tượng đó. Trước kia cho 1 – 2 liều/ngày tùy theo lứa tuổi. Còn trong 1 tháng trẻ 10 lần đi khám tôi sẽ kiểm tra lại. Chiều nay tôi có họp với Sở Y tế để kiểm tra”.
Ông Âm cũng thừa nhận: “Đúng là vợ tôi làm việc cho PK Phương Nam. Trước tôi không phụ trách mảng BHYT, mà phụ trách mảng chính sách và thu thẻ. Nhưng do liên tục trong nhiều năm liền thu không đạt bị âm quỹ, BHXH VN không cho quản lý mảng đó nữa, mới chuyển tôi qua đây từ tháng 3.2015 đến giờ”.
Bất bình thường
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM), cho rằng: “Chỉ những trường hợp bệnh cấp tính thì cho thuốc 3 – 5 ngày hẹn tái khám, với bệnh mãn tính thì 7 -15 ngày tái khám một lần. Còn theo thông tin Thanh Niên phản ánh, tại PK Phương Nam có những trường hợp bệnh nhân đến khám quá nhiều lần, thậm chí 8 – 10 lần trong tháng, có bệnh nhân khám cách ngày là điều bất thường, cơ quan chức năng cần kiểm tra việc này xem có động cơ chiếm đoạt Quỹ BHYT”. Ông Nam cũng cho rằng: “Không hiểu vì sao BHXH Cà Mau chi vài chục tỉ đồng cho một PK dễ dàng như thế? Trong khi ở BV công, chỉ vài chục đến 100 triệu đồng là BHYT thẩm định rất kỹ càng. Phải chăng có sự móc nối giữa PK và BHXH?”.
Nguyên lãnh đạo một BV của tỉnh Cà Mau bày tỏ bức xúc: “Chuyện một bệnh nhân đến khám 10 lần trong tháng là quá bất bình thường. Trẻ 1 tháng tuổi, trừ trường hợp bị bệnh bẩm sinh thì mới chỉ định cho nội soi tai mũi họng. Nói thật, khó tin khi hằng ngày PK Phương Nam thực hiện cận lâm sàng gần 800 – 900 lượt bệnh. Chỉ riêng siêu âm tim, một bệnh nhân cần trên 30 phút mới siêu âm xong”. Tương tự, theo ông Phạm Lương Sơn, việc khám 8 – 10 lần/tháng/trẻ, khám nhiều như thế đương nhiên khiến nhiều người đặt vấn đề có gì đó bất thường. “Theo như Báo Thanh Niên phản ánh, có bé khám nhiều lần, lần khám sau cách lần khám trước một ngày. Đặc biệt có trường hợp khám vào ngày 29 Tết Nguyên đán thì đúng là có gì đó không ổn. Tôi yêu cầu lấy hồ sơ bệnh án tất cả trường hợp bài báo đã nêu tên đích danh”, ông Sơn nói.
tin liên quan
Ồ ạt đi khám bệnh để… nhận quà
Ai đến đây khám cũng được tặng quà; bệnh gì cũng được chỉ định làm cận lâm sàng và đặc biệt là được đến khám bệnh… thoải mái, mỗi tháng khám cả chục lần cũng được!
Nguồn: thanhnien.vn