Nếu một người mua BHYT 50 năm mà chưa từng sử dụng sẽ tốn 32,5 triệu đồng, nhưng chỉ cần một lần nằm viện, họ có thể lấy lại toàn bộ số tiền đã mua BHYT cho 50 năm và có thể được hưởng nhiều hơn nữa.
Cán bộ phường hướng dẫn người dân gia hạn thẻ BHYT – Ảnh: Lam Ngọc
|
Phần 2: Khó khăn và giải pháp
Ở phần trước tôi đã trình bày những lợi ích khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân bắt buộc. Phần này tôi sẽ trình bày những khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện điều này và cách thức thực hiện.
1. Với người nghèo tiền ăn còn không đủ thì sao có tiền mua BHYT?
Thật mừng là khi xem lại các quy định của BHYT, các đối tượng thuộc hộ nghèo, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, người già trên 80 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi đã được nhà nước mua BHYT, còn các hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ chi trả một phần (3). Rõ ràng, đây là một chính sách nhân đạo của nước ta và rất đáng được hoan nghênh. Có lẽ cái khó khăn nhất, theo tôi nghĩ, đã được giải quyết cho việc thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc
2. Người dân không muốn mua BHYT nhà nước vì BHYT nhà nước không có nhiều quyền lợi như BHYT tư nhân
Nếu nhìn sơ qua sẽ thấy BHYT tư nhân chi trả nhiều hơn cho người bệnh (như người bệnh được khám ở bất cứ cơ sở y tế nào, được chi trả tiền giường hay chi trả viện phí điều trị hằng ngày cao hơn) nhưng nếu nhìn tổng thể hay người bệnh mắc bệnh nặng hoặc điều trị dài ngày thì với BHYT của nhà nước, người bệnh lại được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Ví dụ, BHYT tư nhân sẽ hạn chế số độ tuổi được mua BHYT (thông thường BHYT tư nhân sẽ không bán BHYT cho người trên 65 tuổi), không chi trả cho một số bệnh lý có trước khi mua BHYT, hạn chế giá trần một đợt nằm viện hay điều trị. Trong khi đó, BHYT nhà nước bán cho tất cả độ tuổi, nhiều người có bệnh rồi mới mua BHYT cũng được chi trả cho bệnh lý đó, số tiền chi trả cho một đợt nằm viện không bị hạn chế giá trần (việc hạn chế giá trần chỉ ảnh hưởng lên tổng chi phí cơ quan BHYT chi trả cho một bệnh viện chứ không ảnh hưởng lên cá nhân của một người bệnh).
Với một bệnh nhân bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo định kỳ, khi phát hiện bệnh mới mua BHYT nhà nước chỉ với vài trăm ngàn và sau đó họ được hưởng từ 7-10 triệu/tháng hay khoảng 100-120 triệu/năm cho việc điều trị. Thực tế, có bệnh nhân nằm viện được BHYT chi trả lên đến vài trăm triệu cho một đợt điều trị và nếu họ nhập viện lại trong năm đó họ vẫn tiếp tục được hưởng BHYT.
3. Người dân đã có BHYT tư nhân thì đâu cần mua BHYT nhà nước?
Hiện nay, người dân được mua BHYT nhà nước với giá khá thấp so với BHYT tư nhân (650.000 đồng/năm của BHYT nhà nước so với 2 triệu – 3 triệu đồng/năm của BHYT tư nhân ở hạn mức thấp nhất), để tạo được hiệu quả lợi ích rộng lớn cho toàn dân, để người nghèo cũng có thể mua BHYT thì BHYT nhà nước cần thật nhiều người dân tham gia, nên việc bắt buộc mua BHYT cho toàn bộ người dân là điều nên làm. Nếu mua cả hai loại hình BHYT nhà nước và tư nhân, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi cùng lúc của cả hai loại. Một người có điều kiện chi một số tiền lớn để mua BHYT tư nhân thì chắc họ sẽ không khó khăn gì khi chi thêm một số tiền nhỏ để mua BHYT nhà nước.
Ngoài ra, với BHYT tư nhân, nếu doanh nghiệp có lời khi kinh doanh BHYT thì số tiền lợi nhuận chắc chắn sẽ nằm trong tay chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu quĩ BHYT nhà nước kết dư thì số tiền trong quĩ sẽ tiếp tục được sử dụng cho những năm sau hay đầu tư để phát triển y tế cơ sở. Số tiền đó sẽ tiếp tục được phục vụ cho lợi ích cộng đồng chứ không phục vụ cho lợi ích cá nhân nên nó chẳng mất đi đâu cả.
4. “Tôi mua BHYT mấy chục năm trời mà chưa hưởng được một đồng nào của BHYT, thủ tục phiền phức, tôi toàn đi khám ngoài”.
Đó là câu nói tôi nhiều ần được nghe. Nhưng chúng ta thử làm một phép tính: Phí BHYT là 650.000 đồng/năm. Nếu một người mua 50 năm mà chưa từng sử dụng, họ sẽ tốn tổng cộng hết 32 triệu 500 ngàn cho 50 năm mua BHYT, nhưng chỉ cần một lần nằm viện, số tiền họ được chi trả cũng đã vài chục triệu đến vài trăm triệu. Chỉ cần một lần nằm viện là họ có thể lấy lại toàn bộ số tiền đã mua BHYT cho 50 năm và có thể được hưởng nhiều hơn nữa. Không ai dám nói rằng suốt cuộc đời mình sẽ không bao giờ nằm viện.
Số tiền BHYT ngoại trú có thể không đáng cho một người có điều kiện kinh tế khá nhưng lại rất đáng cho người bệnh nghèo. Nhờ có BHYT, họ sẽ không phải lo lắng số tiền hằng tháng phải chi trả nếu mắc bệnh mạn tính, nếu ít thì họ cũng được hưởng khoảng năm trăm ngàn đến một triệu đồng mỗi tháng.
Như đã phân tích ở phần trước, BHYT không chỉ lợi cho người nghèo mà còn lợi cho người giàu. Số tiền BHYT nội trú có thể lên đến vài trăm triệu hay cả tỉ đồng. Một số tiền mà ngay cả người được gọi là giàu cũng không dễ có trong tay nếu không tính đến chuyện vay mượn hay bán nhà, bán đất.
Nếu ai chưa từng sử dụng thẻ BHYT, người đó hãy mừng vì mình không có bệnh và cũng đừng lo số tiền đó mất đi đâu. Nó đang được sử dụng để cứu những bệnh nhân khác, nhất là bệnh nhân nghèo.
5. Người dân không muốn mua BHYT vì thủ tục hành chánh rườm rà
Không những người bệnh cảm thấy mệt mỏi với các thủ tục của BHYT mà nhân viên y tế cũng rất mệt mỏi với chúng. Xem bài “Mệt mỏi với hành chánh bảo hiểm y tế” (4) sẽ giúp mọi người có thể hiểu thêm được nỗi khổ của nhân viên y tế với các loại giấy tờ này.
Do đó BHYT cần có sự thay đổi lớn trong các thủ tục hành chính để tạo sự thuận lợi tốt nhất cho người dân. Mới đây nhất là BHYT đã cho phép khám bệnh thông tuyến ở bất kỳ các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng đăng ký trên cùng địa bàn (tỉnh, thành phố) đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân. Nhưng dù chưa có sự thay đổi này đi nữa, hiện tại người bệnh vẫn đang được hưởng lợi rất nhiều từ BHYT.
6. Người dân không muốn mua BHYT vì thái độ đối xử phân biệt của nhân viên y tế với người có thẻ BHYT
Trong nhiều năm hành nghề y, với bản thân mình, với bệnh viện nơi tôi làm việc, với những nhân viên y tế mà tôi từng quen biết, tôi chưa hề biết đến khái niệm thế nào là phân biệt người bệnh có thẻ BHYT hay không. Với chúng tôi, người bệnh có thẻ BHYT là một điều đáng mừng vì người bệnh có cơ hội đi hết hành trình trị liệu của mình và có nghĩa là họ có cơ hội được cứu sống. Nếu họ không thể thoát qua được cửa tử thì do bệnh của họ quá nặng vượt quá khả năng trị liệu của y học chứ không phải họ ra đi vì không đủ tiền điều trị.
Theo tôi, các khó khăn khi thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc là những người nghèo không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước không đủ tiền để mua BHYT, nhiều người dân chưa hiểu rõ được lợi ích của BHYT cho bản thân mình và cho cộng đồng, thủ tục BHYT còn nhiều rườm rà, chưa tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân.
Thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc như thế nào?
Nên đưa việc mua BHYT về phường, kể cả BHYT học sinh, sinh viên. Các tổ dân phố sẽ lập danh sách người mua (cả thường trú và tạm trú), thu tiền và đóng về phường. Người dân sẽ không phải trực tiếp đến phường mua BHYT nếu mua tập trung theo tổ dân phố. Còn ai không mua tập trung thì cũng có thể lên phường để đăng ký mua riêng lẻ. Việc mua BHYT không bắt buộc phải mua theo hộ khẩu. Địa phương sẽ được hưởng huê hồng việc bán BHYT để họ có kinh phí trả cho cán bộ cơ sở.
Thời điểm hết hạn của thẻ BHYT sẽ qui về thống nhất là cuối năm bất kể thời điểm họ mua là khi nào để đảm bảo việc mọi người dân không bị quên mua BHYT khi hết hạn.
Cho phép mua BHYT một lúc nhiều năm thay vì chỉ một năm. Điều này giúp cho những người con ở xa có thể mua luôn nhiều năm BHYT cho cha mẹ của mình hay các nhà hảo tâm có thể mua BHYT nhiều năm cho một người nghèo nào đó.
Nhà nước cũng sẽ đề ra các giải pháp để bắt buộc người dân mua BHYT. Sau đây là một vài ý tưởng của tôi đưa ra chỉ mang tính gợi ý. Ví dụ, người dân muốn công chứng giấy tờ, xác nhận lý lịch… phải xuất trình BHYT mới được thực hiện. Các học sinh, sinh viên khi nộp hồ sơ xin nhập học phải kèm thẻ BHYT (mặc dù quyền đi học là quyền của mỗi trẻ em) và phải nộp lại bản sao thẻ BHYT mới hằng năm.
Việc lo lắng nhất là hỗ trợ những người có điều kiện kinh tế khó khăn, ngoài diện được nhà nước trợ cấp mua BHYT, có thể mua được thẻ BHYT thì cần nhiều biện pháp khác trong đó có sự phối hợp của các ban ngành và hỗ trợ của toàn xã hội như:
– Giảm số tiền mua BHYT (vì số lượng người mua đã được tăng lên) hoặc giảm một phần số tiền BHYT cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
– Lập quỹ từ thiện hỗ trợ mua BHYT từ các doanh nghiệp hoặc các báo đài.
Thay vì tổ chức các buổi khám bệnh từ thiện cho người nghèo thì tặng họ số tiền đủ để mua BHYT. Một suất khám bệnh, phát thuốc miễn phí và quà tặng cho một người nghèo có thể lên đến vài trăm ngàn/người nhưng họ chỉ được hưởng một lần khám bệnh. Nếu cần tiếp tục điều trị lâu dài, họ cũng không có tiền để điều trị tiếp nên việc khám bệnh từ thiện như vậy cũng chẳng mang lại lợi ích gì nhiều. Trong khi đó, chỉ cần bỏ 650.000 đồng để mua BHYT là họ được đảm bảo khám chữa bệnh trong một năm. Việc này cũng đã được Báo Thanh Niên phối hợp với các đoàn thể thực hiện khi đem hơn 150 thẻ BHYT cho các hộ khó khăn vào đầu năm 2015.
– Bán những thẻ quà tặng BHYT để những nhà làm từ thiện có thể mua thẻ này cho người nghèo. Thẻ chỉ có giá trị để mua BHYT.
Ngoài ra, còn cần sự góp sức của các phương tiện truyền thông giúp cho người dân hiểu rõ lợi ích cho mình cũng như cho cộng đồng khi tham gia BHYT. Khi hiểu rõ và đạt được sự đồng thuận của đa số người dân mới hy vọng BHYT toàn dân bắt buộc có thể thành hiện thực
Để việc tăng viện phí sắp tới đây không phải là gánh nặng cho người bệnh, nhất là người nghèo thì Bộ Y tế cần nhanh chóng thực hiện BHYT toàn dân bắt buộc. Để điều này thành hiện thực, cần sự hỗ trợ và phối hợp rất nhiều của truyền thông, các ban ngành, đoàn thể và sự giúp sức của xã hội. Khi đó mỗi người dân có một tấm thẻ BHYT là một ước mơ không xa vời.
Nguồn: thanhnien.vn