Bạn đọc gửi câu hỏi tới Thanh Niên hỏi: “Nếu nhân viên của công ty có tới 2 hợp đồng lao động, thì cách tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) như thế nào?”.
Đây cũng là trường hợp nhiều công ty thắc mắc và lo ngại sẽ ảnh hưởng mức trích đóng BHXH, bởi có thể diễn ra tình trạng “đóng chen” BHXH, tức BHXH cho người lao động do công ty A đóng nhưng khi đối chiếu dữ liệu thì phát hiện khoảng thời gian đã đóng bị một công ty khác “chen” vào.
Cơ quan BHXH giải thích
Theo BHXH TP.HCM, căn cứ theo điều 19 bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Việc tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo pháp luật về BHXH, BHYT, việc làm an toàn vệ sinh lao động, người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng trở lên thì đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên (hiện mức đóng 32%).
Những nơi còn lại, người lao động có trách nhiệm thông báo cho chủ sử dụng lao động biết để thực hiện lập hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mức đóng 0,5%).
Nếu đóng trùng BHXH, đơn vị cần phải làm hồ sơ giảm trùng quá trình đóng; người lao động gửi đề nghị đến cơ quan BHXH hoặc đơn vị doanh nghiệp nơi mình đang tham gia BHXH để được hỗ trợ làm thủ tục hoàn tiền đóng trùng BHXH.
Riêng về chế độ BHXH, sẽ giải quyết theo số sổ tham gia BHXH đầu tiên.
Về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật BHXH.
Nguồn: thanhnien.vn