ĐB Huỳnh Nghĩa – Ảnh: Ngọc Thắng |
Người bệnh bị phân biệt đối xử
|
Báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH chỉ ra rằng: Những hạn chế về chuyên môn, tình trạng chậm cải thiện về y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện (BV) công; đặc biệt một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây đã làm giảm sút lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.
Một vấn đề khiến người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) cảm thấy bị phân biệt đối xử, đó là do thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa dịch vụ y tế tại các BV công, nhiều BV đã hình thành khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, dành 5 – 10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao; kết quả là tại cùng một khoa hình thành 2 chế độ, bệnh nhân BHYT với 2 – 3 người/giường và bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu với 1 người/phòng có đầy đủ tiện nghi.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo lắng: “Tình trạng quá tải ở BV, y đức xuống cấp trầm trọng, thủ tục rườm rà… đang trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT của nước ta”.
ĐB Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) cho rằng chính phương thức thanh toán theo định suất (có tới 42% số BV trong cả nước lựa chọn) là nguyên nhân gián tiếp làm hạn chế lương tâm người thầy thuốc. ĐB Đào phân tích: Vì phương thức này tạo sự chủ động cho BV trong việc quản lý của quỹ nhưng lại cắt giảm nhiều quyền lợi của bệnh nhân để vừa đảm bảo định suất, vừa tiết kiệm cho BV. Chính vì để đảm bảo định suất này đã gây áp lực rất lớn cho đội ngũ y, bác sĩ trong thời gian qua trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ cứu người.
Dân không biết mình được quyền lợi gì
Báo cáo giám sát nhận định: Tính công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia BHYT còn hạn chế. Người tham gia BHYT chưa hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi đến khám chữa tại BV. Việc người bệnh có BHYT phải đóng thêm một số khoản chi ngoài quyền lợi hưởng BHYT hoặc phải lặp lại các xét nghiệm chẩn đoán khi chuyển tuyến điều trị vừa gây tốn kém cho bệnh nhân, vừa lãng phí quỹ BHYT.
Cũng chính vì sự mập mờ nói trên nên chi phí khám chữa bệnh BHYT còn bất hợp lý, mỗi nơi một mức giá. Bình quân trên cả nước quỹ BHYT chi trả khám nội trú tại BV đa khoa tuyến tỉnh gần 2 triệu đồng/ca bệnh, song có tỉnh là 1 triệu đồng, cá biệt có tỉnh là 4 triệu đồng/ca bệnh, trong khi trình độ chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ y tế giữa các BV đa khoa tuyến tỉnh không thể có sự chênh lệch đến mức gấp 3 – 4 lần…
Mỗi nơi bệnh nhân phải chịu một mức chi phí khám chữa bệnh khác nhau còn do đấu thầu thuốc chưa đáp ứng yêu cầu.
ĐB Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) nêu thực tế: Không chỉ quỹ BHYT bị lạm dụng mà chính bệnh nhân BHYT bị lạm dụng khi phải thực hiện nhiều xét nghiệm không cần thiết. Một điều tra cho thấy 90,4% bệnh nhân ở BV tuyến huyện được chỉ định… truyền dịch.
Chính từ thực tế này, ĐB Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng phải xây dựng gói quyền lợi rất cơ bản, rõ ràng để người dân biết họ được quyền hưởng cái gì.
Người nghèo phải bù đắp cho người… giàu
Báo cáo giám sát cho biết Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỉ đồng đã cân đối và có kết dư, lũy kế đến năm 2010 kết dư khoảng 2.810 tỉ đồng và lũy kế đến năm 2012 kết dư lên tới gần 13.000 tỉ đồng.
Xung quanh nguồn quỹ kết dư này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chỉ ra bất cập: Theo Nghị định 62 của Chính phủ thì quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. Nguồn quỹ này hình thành từ 10% số thu BHYT và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về BHXH Việt Nam. Trên thực tế tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa BV, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến BV nên quỹ BHYT kết dư cao, còn tại các TP lớn thì bội chi quỹ. “Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được”, ĐB Huỳnh Nghĩa bức xúc
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cũng cho rằng về bản chất quỹ BHYT phải thúc đẩy sự chia sẻ giúp đỡ giữa vùng giàu cho vùng khó khăn, nhưng ở nước ta hiện nay thì ngược lại. Quỹ BHYT của nhiều tỉnh miền núi khó khăn luôn luôn kết dư hàng trăm tỉ đồng, trong khi các tỉnh đồng bằng thuận lợi hơn lại lâm vào tình trạng thâm hụt quỹ triền miên.
Từ thực tế này, đa số ĐB đề nghị số tiền kết dư cần được đầu tư trở lại cho các địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
Tuệ Nguyễn
>> Bộ Y tế phối hợp với báo chí kiểm soát y đức
>> Y đức trong ngành y tế gây bức xúc dư luận
>> Y đức đâu rồi?
>> Thủ tướng yêu cầu nâng cao y đức, giảm quá tải bệnh viện
Nguồn: thanhnien.vn