Tại Hội nghị trực tuyến đôn đốc chi trả gói hỗ trợ tiền nhà ở cho người lao động sáng nay 12.8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn phê bình Sở LĐ-TB-XH TP.HCM như trên, do đã chậm triển khai giải ngân tiền hỗ trợ cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhắc nhở TP.HCM trong việc chậm triển khai hỗ trợ tiền nhà cho người lao động |
Mạnh Dũng |
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, TP.HCM có hơn 1 triệu lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tính đến chiều 11.8, đã giải ngân được 139 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 7,83%.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay sở dĩ tiến độ của TP.HCM chậm so với kế hoạch bởi số lượng doanh nghiệp, số lượng người lao động rất lớn, cần có thời gian tổ chức thực hiện. “Chúng tôi đã kiểm tra, tuyên truyền đôn đốc doanh nghiệp nộp hồ sơ. Việc tiếp nhận của bảo hiểm xã hội (BHXH), việc phê duyệt giải ngân chậm tại các quận, huyện chậm. Trong quá trình rà soát có trường hợp trùng lặp. Một số đơn vị thận trọng bởi làm đúng, làm đủ cần có thời gian rà soát”, ông Thinh nói.
Về tiến độ 15.8, lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cho biết, sẽ kiểm tra đôn đốc, để kịp thời thực hiện trong tháng 8 và sang tháng 9 sẽ giải ngân xong.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao trong thời điểm chống dịch Covid-19, TP.HCM có nhiều cách làm sáng tạo, với phương châm không để ai bị đói, đem gạo đem tiền tới nhà dân rất kịp thời, mấy triệu túi an sinh…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, với 1 triệu người lao động tại TP.HCM đề xuất hỗ trợ tiền nhà ở, chiếm 1/3 tổng số cả nước, thành phố này lại làm rất chậm vì nhiều thủ tục.
“TP.HCM cần phải xem lại cách làm thời gian qua. Hình như TP.HCM đang đẻ ra rất nhiều thủ tục như xác minh xác nhận giấy phép kinh doanh, tạm vắng tạm trú… thì sao làm được. Đề nghị BHXH TP.HCM vào cuộc quyết liệt, nếu không một mình Sở LĐ-TB-XH làm khó thực hiện”, ông Dung nhắc nhở và cho biết Bộ LĐ-TB-XH sẽ có văn bản gửi riêng TP.HCM về vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi văn bản cho các doanh nghiệp đề nghị rà soát khẩn trương đôn đốc, nộp hồ sơ cho người lao động trước 15.8. Đối với những hồ sơ đã nộp khẩn trương giải ngân.
“TP.HCM nên coi đây là vấn đề trọng tâm trọng yếu. Bộ sẽ cử đoàn công tác kiểm tra đôn đốc. Nếu cần nữa, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng cử đoàn kiểm tra liên ngành. Nếu cần Bộ trưởng sẽ vào làm việc. TP.HCM phải phấn đấu 30.8 cơ bản hoàn thành giải ngân, không thể để đến tháng 9”, ông Dung nhấn mạnh.
10 địa phương bị nhắc nhở có tỷ lệ giải ngân thấp nhất gồm: An Giang, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận.
Cá biệt có 4 địa phương chưa giải ngân, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Yên, Sơn La.
Nguồn: thanhnien.vn