Ngày 24.3, PV Thanh Niên nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Thanh tra tỉnh Cà Mau từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau chuyển đến.
Đây là thông báo giải quyết kết quả tố cáo của nhân viên BHXH, tố cáo thành viên Đoàn thanh tra số 74/QĐ-TT của Thanh tra tỉnh Cà Mau.
Yêu cầu kiểm tra để giảm trừ thuốc trước khi có kết luận thanh tra ?
Theo thông báo, người tố cáo tố Tổ Kiểm tra BHYT (thuộc Đoàn thanh tra số 74) có dấu hiệu tiết lộ thông tin, thông đồng với các cá nhân là đối tượng bị thanh tra, nhằm giảm tình tiết vi phạm pháp luật, thay đổi kết quả thanh tra.
Trước đó, ngày 25.5.2020, Thanh tra tỉnh Cà Mau có Kết luận thanh tra số 03/KL-TT (gọi tắt: KLTT 03), thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị (TTB) và vật tư y tế(VTYT), đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn tháng 1.2014 – 9.2019.
Đây cũng là KLTT nhiều “sóng gió”. KLTT 03 được điều chỉnh, sửa đến 3 lần và 1 lần bị chính thanh tra viên của đoàn thanh tra phản đối. Sau đó là bị nhân viên thẩm định BHYT tố cáo thành viên trong đoàn thanh tra. |
Cụ thể, người tố cáo cho rằng ở nội dung biên bản họp phòng vào ngày 14.2.2020, ông Dương Minh Tùng (Trưởng phòng Giám định BHYT, thuộc BHXH tỉnh Cà Mau – nay là Phó giám đốc BHXH), chỉ đạo xuất toán ngược thuốc Cefmetazole 9 tháng năm 2019 tại các cơ sở (KCB) là động thái của việc thông đồng.
Nhưng theo kết luận của Thanh tra, ngày 3.1.2020, người tố cáo có gửi thông tin qua email cho ông Phan Cao Cường (thành viên Tổ Kiểm tra BHYT) đề nghị kiểm tra 7 loại thuốc. Thì cùng ngày, Trưởng đoàn thanh tra số 74 ban hành công văn về việc đề nghị BHXH tỉnh Cà Mau cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến 7 loại thuốc.
Theo thông báo kết quả tố cáo, những nội dung ông Tùng yêu cầu kiểm tra, để giảm trừ thuốc Cefmetazol trực tiếp trong thẩm định quý 4.2019 là không đúng, chưa phù hợp trong hoạt động thanh tra. Vì thời điểm này chưa có kết luận, quyết định xử lý của Thanh tra đối với những nội dung vi phạm nêu trên.
BHXH không báo cáo đúng nội dung Thanh tra yêu cầu
Thông báo cũng nêu, trong quá trình Đoàn thanh tra làm việc tại BHXH tỉnh, ông Phan Cao Cường được cung cấp danh sách số liệu sai phạm về thanh toán chi phí thuốc khoảng 1,5 tỉ đồng và đề nghị kiểm tra 7 loại thuốc.
Nhưng ông Cường chỉ đề xuất với Trưởng đoàn kiểm tra, mỗi loại thuốc Cefmetazol, không kiểm tra, đối chiếu 6 loại thuốc còn lại.
Ngày 3.1.2020, Trưởng đoàn thanh tra số 74, có văn bản đề nghị BHXH cung cấp đầy đủ những thông tin, tài liệu liên quan đến 7 loại thuốc như: hồ sơ sử dụng liên quan đến chi phí các thuốc thanh toán BHYT từ tháng 1. 2019 đến 3.1.2020 đối với các biệt dược của các hoạt chất: Cefmetazol, Flunarizin, Mecobalamin, Vitamin c + Rutin, Tolperison và các biệt dược: Bofif F, Mycogynax, Enterpass. Đồng thời, cung cấp các hóa đơn mua vào các thuốc trên của các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Nhưng BHXH tỉnh Cà Mau, chỉ cung cấp được 1/7 loại thuốc theo đề nghị. Và thuốc này có 5 đơn vị sử dụng nhưng BHXH chỉ cung cấp 3 đơn vị. Qua xác minh, cho thấy ông Cường không làm việc cụ thể với đơn vị; không báo cáo cho Trưởng đoàn thanh tra trong việc cung cấp không đầy đủ thông tin nêu trên.
Trưởng đoàn thanh tra số 74 đã mời Giám đốc BHXH tỉnh làm việc liên quan đến việc rà soát chỉ định thuốc Cefmetazol. Tại biên bản làm việc ngày 31.1.2020, ghi nhận số liệu sử dụng thuốc Cefmetazol không đúng theo hướng dẫn của 3 đơn vị trên là 814 triệu đồng. Thực tế, có 5 đơn vị sử dụng nhưng BHXH tỉnh chỉ báo cáo có 3 đơn vị. Trong 2 ngày 17 và 19.2.2020 BHXH tỉnh có kiểm tra 2 đơn vị còn, phát hiện sai phạm là 406 triệu đồng nhưng không báo cáo kết quả cho đoàn thanh tra.
Thông báo giải quyết kết quả tố cáo khẳng định “không có cơ sở về việc thông đồng”, nhưng trách nhiệm ông Phan Cao Cường là chưa nắm đầy đủ thông tin kịp thời tham mưu cho trưởng đoàn trong lĩnh vực, trách nhiệm được giao.
Ngoài ra, thời gian người tố cáo yêu cầu Đoàn Thanh tra kiểm tra 7 loại thuốc, biệt dược (có dấu hiệu sai phạm) là tính từ ngày 3.1.2020. Nhưng ngày 13.1.2020, Đoàn thanh tra kết thúc chỉ còn 10 ngày nên việc kiểm tra 7 loại thuốc là không thể kịp thời gian. Vì 7 loại thuốc này, có nhiều cơ sở KCB sử dụng, thanh toán. Do đó, Đoàn Thanh tra (Tổ 1) chỉ kiểm tra 1 loại thuốc là phù hợp với thời gian.
Thanh tra tỉnh Cà Mau đề nghị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau do báo cáo không đầy đủ cho Đoàn thanh tra về các đơn vị có sử dụng thuốc Cefmetazol theo Công văn số 13398/QLD-ĐK của Cục Quản lý dược Bộ Y tế.
Thanh tỉnh Cà Mau cũng đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Dương Minh Tùng trong việc họp phòng, yêu cầu kiểm tra các cơ sở KCB để giảm trừ thuốc Cefmetazol trực tiếp trong thẩm định quý 4.2019 trong khi Thanh tra chưa kết luận, quyết định xử lý đối với những nội dung vi phạm nêu trên.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh tổ chức kiểm điểm ông Phan Cao Cường (nguyên thành viên Đoàn thanh tra số 74) vì tham mưu, báo cáo cho Trưởng đoàn Thanh tra chưa đầy đủ, kịp thời…
Lý giải việc quyết định thụ lý đơn ngày 22.9.2020 nhưng đến ngày 12.3.2021 mới có thông báo kết luận giải quyết tố cáo, ngày 22.3, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Cà Mau giải thích: “Anh tổ trưởng tổ thụ lý đơn tố cáo bị bệnh, đi nằm bệnh viện thời gian dài nên kéo. Nói chung là có nguyên nhân khách quan và chủ quan”. Vị lãnh đạo này, cũng giải thích về việc nội dung tố cáo không đúng thẩm quyền của Chánh thanh tra vì hành vi theo đơn tố cáo là hành vi của Chánh thanh tra, chứ không phải hành vi của trưởng đoàn thanh tra. Nên có giải quyết hành vi của ông Chánh thanh tra này thì là UBND tỉnh. Nhưng có những nội dung không phải là hành vi sai”.
|
Nguồn: thanhnien.vn