Bản tin Covid-19 ngày 29.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 111.640 ca Covid-19, 1.679.138 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 29.3 cho biết tính từ 16h ngày 28.3 đến 16h ngày 29.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 88.378 ca nhiễm mới. Các Sở Y tế Quảng Ninh, Bình Định đăng ký bổ sung 23.262 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 111.640 ca.
Có tới 1.679.138 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 55 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.413 ca.
Ngày 29.3: Công bố 111.640 ca Covid-19, 1.679.138 ca khỏi | Hà Nội 8.993 ca | TP.HCM 734 ca |
Thông tin về 111.640 ca nhiễm vừa được công bố như sau:
- 2 ca nhập cảnh.
- 88.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.003 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 61.258 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (8.993), Phú Thọ (4.302), Bắc Giang (4.047), Nghệ An (3.817), Yên Bái (3.232), Lào Cai (2.958), Đắk Lắk (2.714), Vĩnh Phúc (2.710), Quảng Ninh (2.598), Hà Giang (2.391), Quảng Bình (2.217), Thái Bình (2.176), Sơn La (2.053), Bắc Kạn (2.009), Hải Dương (1.986), Lạng Sơn (1.979), Cà Mau (1.977), Cao Bằng (1.937), Tuyên Quang (1.854), Hưng Yên (1.769), Lâm Đồng (1.614), Tây Ninh (1.572), Thái Nguyên (1.502), Hòa Bình (1.470), Bắc Ninh (1.456), Quảng Trị (1.437), Lai Châu (1.424), Hà Nam (1.312), Bình Định (1.290), Điện Biên (1.240), Vĩnh Long (1.165), Bình Dương (1.021), Đắk Nông (1.019), Quảng Ngãi (901), Bến Tre (899), Hà Tĩnh (826), Ninh Bình (823), Nam Định (812), Bà Rịa – Vũng Tàu (801), Đà Nẵng (752), Trà Vinh (738), TP.HCM (734), Thừa Thiên-Huế (678), Bình Phước (657), Phú Yên (625), Khánh Hòa (625), Thanh Hóa (561), Hải Phòng (522), Bình Thuận (485), Kon Tum (358), Quảng Nam (284), Bạc Liêu (202), An Giang (174), Kiên Giang (155), Long An (148), Đồng Tháp (90), Tiền Giang (81), Cần Thơ (61), Sóc Trăng (47), Ninh Thuận (45), Đồng Nai (31), Hậu Giang (20).
- Ngày 29.3.2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 17.600 ca, Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 5.662 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (-985), Yên Bái (-563), Đắk Lắk (-491).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+809), Hải Dương (+621), Tây Ninh (+603).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 103.374 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.386.489 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 95.021 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.378.773 ca, trong đó có 7.151.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.458.587), TP.HCM (592.677), Nghệ An (384.741), Bình Dương (374.529), Hải Dương (339.411).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.679.138 ca (sau khi rà soát, cập nhật số liệu điều trị ngoại viện)
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.153.846 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.639 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.920 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 322 ca
- Thở máy không xâm lấn: 96 ca
- Thở máy xâm lấn: 296 ca
- ECMO: 5 ca
Từ 17h30 ngày 28.3 đến 17h30 ngày 29.3 ghi nhận 55 ca tử vong tại: An Giang (4), Bạc Liêu (4), Bình Dương (4), Đồng Nai (4), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (4), Gia Lai (3), Lạng Sơn (3), Bình Định (2), Cao Bằng (2), Hà Tĩnh (2), Sóc Trăng (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), TP.HCM (1)
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 57 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.413 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.205.992 mẫu tương đương 84.127.172 lượt người.
Trong ngày 28.3 có 279.038 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 205.495.812 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.343.004 liều: Mũi 1 là 71.217.568 liều; Mũi 2 là 68.014.360 liều; Mũi 3 là 1.502.513 liều; Mũi bổ sung là 14.860.258 liều; Mũi nhắc lại là 32.748.305 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.152.808 liều: Mũi 1 là 8.793.910 liều; Mũi 2 là 8.358.898 liều.
Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà nhiều nhất 1 triệu/tháng
Ngày 28.3.2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 08/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà nhiều nhất 1 triệu:tháng |
Cụ thể, quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.2.2022 đến ngày 30.6.2022.
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2022 đến ngày 30.6.2022.
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2022 đến ngày 30.6.2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Mức hỗ trợ áp dụng cho đối tượng này là 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và trả hằng tháng.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND cấp tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày.
Trình tự, thủ tục cụ thể như sau: người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày làm việc. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động.
Sau đó, người sử dụng lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian xử lý của cơ quan bảo hiểm xã hội là 2 ngày). Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp huyện để thẩm định trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ (thời gian xử lý của UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh là 2 ngày).
Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
6 điều cần biết về hậu Covid-19 để tránh lo lắng thái quá
Theo một số chuyên gia y tế, hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào từng nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu Covid-19. Ở nhóm bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, người ta thấy có thể gặp 10-35%. Nhóm bệnh nhân nặng có bệnh nền có thể gặp tới 80% di chứng. Hội chứng này xảy ra trong vòng 3 tháng và có triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
6 điều cần biết về hậu Covid-19 để tránh lo lắng thái quá |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bác sĩ Hoàng Thị Phượng – Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa của Bệnh viện Phổi Trung ương, không phải ai cũng bị các triệu chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết thời gian qua rất đông trường hợp dù không có biểu hiện vẫn đổ xô đi khám hậu Covid-19 do quá lo lắng nên đi khám cho yên tâm.
Trang tin của Bộ Y tế trích lời bác sĩ Nguyễn Văn Giang – Phó Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi, BVĐK Hà Đông, người bệnh cần biết một số điều cần thiết sau đây về hậu Covid-19 để tránh lo lắng thái quá.
1. Hậu Covid-19 là gì?
Tháng 10.2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố định nghĩa chính thức về hậu Covid-19. Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 chia thành 2 giai đoạn. Những triệu chứng kéo dài 4-12 tuần sau khi mắc bệnh gọi là tình trạng Covid-19 kéo dài còn các triệu chứng kể từ khi mắc COVID-19 kéo dài sau 3 tháng thì gọi là hậu Covid-19.
Theo WHO, hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. WHO ước tính 10 – 20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
2. Biểu hiện của hội chứng hậu Covid-19?
Hội chứng hậu Covid-19 có biểu hiện rất đa dạng. Có khoảng 200 triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi Covid-19, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
– Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Mệt mỏi hay cảm giác yếu sức (gặp ở 2/3 bệnh nhân)
- Khó thở, nhất là khó thở khi gắng sức
- Ho kéo dài
- Đau ngực hay khó chịu vùng ngực
– Các triệu chứng ít gặp hơn: nhức đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, đau khớp, đau cơ, mất mùi vị, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mất ngủ, rụng tóc.
– Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục sau đợt Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
3. Tại sao phải quan tâm khám hậu Covid-19?
– Tùy vào nghiên cứu ở các quốc gia, có khoảng 1/3 đến 4/5 bệnh nhân mắc ít nhất một trong các triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 sau 4 tuần nhiễm bệnh.
– Những triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 tuy không có nguy cơ gây tử vong nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian (thường là 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 12 tháng) sau khi bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân, làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống của bệnh nhân hậu Covid-19.
– Theo nghiên cứu, khoảng 40-60% bệnh nhân Covid-19 không thể trở lại các hoạt động sống bình thường sau khi xuất viện. Đối với bệnh nhân Covid-19 nhẹ (điều trị tại nhà) cũng có khoảng 10-35% bệnh nhân không thể trở lại tình trạng sức khỏe ban đầu và bị suy giảm chất lượng cuộc sống.
4. Những ai hay gặp hội chứng hậu Covid-19?
– Đối tượng nữ sẽ có nguy cơ hơn nam, thường gặp ở tuổi trung niên và lớn tuổi (trên 35 tuổi), và có thể gặp cả ở trẻ em. Những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh đi kèm, hút thuốc. Bệnh nhân mang thai, có Markers viêm cao, giảm bạch cầu, thiếu oxy máu kháng trị.
Mặc dù bệnh Covid-19 mức độ nặng để lại nhiều di chứng tàn phá cơ thể hơn, tuy nhiên không có sự tương quan chính xác giữa mức độ bệnh Covid-19 và mức độ của hội chứng hậu Covid-19. Do đó nhóm đối tượng được chẩn đoán mắc bệnh Covid-19 nhẹ cũng có thể bị tác động bởi hội chứng hậu Covid-19, hay nói cách khác ai cũng có nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid-19.
Hậu Covid-19 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ em hậu Covid-19 thường nhẹ và ít hơn người trưởng thành. Biến chứng hậu Covid-19 đáng lo ngại nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu….
Trong khi với bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị chính của bệnh (như nhập vào các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu) thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn… khi Covid-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.
5. Không nên quá lo lắng khi có triệu chứng hậu Covid-19
Khi thấy có những biểu hiện, triệu chứng hậu Covid-19, người dân nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng.
Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tư vấn kết hợp vật lý trị liệu để điều chỉnh cải thiện tình trạng.
Với trẻ nhỏ, thực tế từ các phòng khám hậu Covid-19 cho thấy, trẻ thường được đến khám cùng bố mẹ (gia đình có nhiều người mắc bệnh), ít có các triệu chứng hậu Covid-19 hơn người trưởng thành. Nhiều trẻ em khám hậu Covid-19 nhưng không cần chụp chiếu, lấy máu xét nghiệm vì các em chỉ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt.
Sau khi cân nhắc lợi ích – nguy cơ thì bác sĩ cho rằng không cần phải lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu, chỉ dặn bố mẹ theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C (Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em ) sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.
6. Bạn nên làm gì khi bị hội chứng hậu Covid-19?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng hậu Covid-19 là phòng ngừa tránh mắc bệnh Covid-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng Covid-19 hãy tiêm vaccine chống lại Covid-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh Covid-19 và cũng có thể giúp những người xung quanh nguy cơ mắc bệnh này.
Nếu chẳng may bạn bị mắc Covid-19 bạn hay tuân thủ điều trị theo hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế, đặc biệt không tự ý mua và dùng thuốc trôi nổi trên thị trường.
Khi bạn thấy có những biểu hiện của hội chứng hậu Covid-19, bạn hãy đến cơ sở y tế có uy tín. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng hậu Covid-19, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất.
Thượng Hải phong tỏa đợt 2 khi số ca mắc Covid-19 tăng
Thượng Hải hôm 28.3 đã bắt đầu đợt phong tỏa thứ hai khi thành phố ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Quyết định này được công bố vào hôm 27.3, sẽ chia thành phố ra làm hai phần dọc theo sông Hoàng Phố trong vòng 9 ngày để triển khai xét nghiệm luân phiên.
Thượng Hải phong tỏa đợt 2 khi số ca mắc Covid-19 tăng |
Trong khi cư dân phía đông Hoàng Phố bắt buộc phải ở nhà, những người ở phía tây dự trữ hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu khác để chuẩn bị cho việc đóng cửa bắt đầu từ ngày 1.4.
Người mua hàng tại một số khu chợ ẩm thực ở Thượng Hải cho biết không còn gì cả và họ không biết phải làm gì.
Trước đó, chính quyền Thượng Hải bác tin thành phố sẽ bị đóng cửa.
Văn phòng Công an Thượng Hải cho biết họ sẽ đóng các cây cầu, đường hầm xuyên sông, các trạm thu phí đường cao tốc ở phía đông thành phố cho đến 1.4. Bên cạnh đó, những người rời khỏi thành phố sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ.
Ngoài ra, Thượng Hải còn ra lệnh tạm ngừng hoạt động các công ty, nhà máy trừ những hoạt dịch vụ công cộng hoặc cung cấp thực phẩm. Một số bệnh viện cũng đình chỉ các dịch vụ khi nhân viên và các nguồn lực khác phải hỗ trợ công tác xét nghiệm hàng loạt.
Đầu tháng này, Thượng Hải cho biết công suất xét nghiệm hàng ngày của họ là khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, một số bác sĩ cảnh báo rằng điều này vẫn không đủ để bắt kịp tốc độ lây lan nhanh chóng của virus.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 29.3 của Báo Thanh Niên.
Nguồn: thanhnien.vn