Ngày 19.2, Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, tổng hợp từ các địa phương tính đến đầu tháng 2, có 19 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành phố còn nợ hơn 44,5 tỉ đồng tiền lương của 1.992 người lao động, bình quân nợ 22,3 triệu đồng/người (giảm 30 tỉ và khoảng 3.000 người lao động so với năm 2021). Tuy nhiên, mức nợ lương bình quân cao hơn so với năm 2021 (bình quân là 15,7 triệu đồng/người).
Công nhân Công ty H&L (Đắk Lắk) tụ tập đòi nợ lương để sắm tết |
Hoàng Bình |
Ngoài ra, có 59 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của 6.111 người lao động với tổng số tiền là hơn 82 tỉ đồng. 11 tỉnh, thành phố có nợ BHXH, gồm: Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Nông, Gia Lai, Tiền Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Bình Thuận, Ninh Bình, Bến Tre, Thừa Thiên – Huế.
Sau tết Nguyên đán, đã có 6 doanh nghiệp thanh toán một phần hoặc toàn bộ tiền nợ lương là gần 5 tỉ đồng của 658 người lao động; 10 doanh nghiệp thanh toán toàn bộ số tiền nợ BHXH là 13,04 tỉ đồng. Hiện còn 13 doanh nghiệp nợ 39,5 tỉ đồng tiền lương và 49 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 69, tỉ đồng.
Việc doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại nhiều tỉnh, thành.
Trước tình hình trên, công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp giải quyết tình trạng nợ lương và đóng BHXH cho người lao động. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã dành nguồn lực để thăm, động viên, tặng quà cho người lao động tại các doanh nghiệp bị nợ lương, nợ BHXH.
Ngày 15.2, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi các địa phương về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các cấp tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.
Công đoàn sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, Sở LĐ-TB-XH, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay trong năm 2022, với chủ đề năm của Công đoàn Việt Nam là “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động”, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Nguồn: thanhnien.vn