|
Vào năm 1992, ông Nguyễn Thanh Xuân (sinh năm 1935), ngụ thôn 1, xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được nhận quyết định nghỉ hưu với thời gian công tác được tính là 34 năm 1 tháng (sau khi đã quy đổi).
Kể từ năm 1992, hằng tháng ông Xuân vẫn được nhận lương hưu đều đặn và được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vào tháng 1.2011, ông bất ngờ nhận được quyết định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng với nội dung đình chỉ hưởng chế độ BHXH. Lý do đình chỉ là ông Xuân “không đủ điều kiện về thời gian công tác”. Với quyết định này, BHXH tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu ông Xuân phải nộp lại cơ quan bảo hiểm số tiền 122.460.911 đồng đã được “hưởng sai chế độ quy định của nhà nước”, đồng thời bảo hiểm thu hồi luôn cả thẻ khám chữa bệnh BHYT đã cấp cho ông Xuân.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Xuân cho biết thời gian từ năm 1960 đến 1967, ông làm công nhân Xí nghiệp bê tông thuộc Khu gang thép Thái Nguyên. Năm 1967, ông nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên đợt 1, đóng quân ở nhiều nơi từ Bắc Giang, Hà Tây, Ninh Bình, Hà Nội, tham gia chiến dịch ở Lào… Năm 1971, ông bị thương và an dưỡng tại Ninh Bình đến năm 1973 thì phục viên và ở nhà làm nông. Trong quá trình tham gia kháng chiến, ông còn được nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến. Năm 1979 ông về Nông trường dâu tằm tơ Đại Lào (nay thuộc TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) làm công nhân cho đến năm 1992 thì được nghỉ hưu.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ chế độ hưu trí, ông Xuân đã khiếu nại đến BHXH tỉnh Lâm Đồng và cơ quan này đã yêu cầu ông bổ sung hồ sơ gốc chứng minh quá trình công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên từ năm 1960 đến năm 1967.
Tuy nhiên, theo ông Xuân thì sau nhiều lần nỗ lực liên hệ đơn vị cũ, ông được trả lời hồ sơ gốc từ năm 1960 đến nay đã quá lâu nên không còn lưu lại. Hơn nữa, Xí nghiệp bê tông thuộc Khu gang thép Thái Nguyên sau này lại được chuyển đổi và sáp nhập vào Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên nên việc truy lục hồ sơ từ những năm 1960 là điều không thể. Bù lại, ông Xuân có xác nhận bằng văn bản của ông Phan Văn Nhuệ, nguyên là Giám đốc Xí nghiệp bê tông. Nội dung này còn được cả Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên xác nhận. Thế nhưng BHXH tỉnh Lâm Đồng vẫn không chấp nhận. Vì vậy, thời gian công tác của ông Xuân từ năm 1960 đến 1967 đã không được công nhận.
Gặp chúng tôi, ông Xuân bức xúc: “Đây không chỉ vấn đề tiền bạc mà chính là danh dự của gia đình tôi. Không lẽ tôi đã gian dối mấy chục năm qua để hưởng tiền hưu trí? Giờ tôi đã gần 80 tuồi rồi, gia đình rất khó khăn, tôi lại bị bệnh thì lấy đâu ra 122 triệu đồng để trả cho nhà nước?”.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) cho rằng giả sử có việc cho hưởng chế độ hưu trí sai thì đó cũng không phải lỗi hoàn toàn do ông Xuân mà do sai sót trong quá trình quản lý của cơ quan hành chính. Do vậy, việc truy thu số tiền hưu trí đã cấp cần phải được tiến hành theo trình tự hài hòa và tôn trọng. Đây không còn là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn là một vấn đề về đối nhân xử thế, nếu không khéo sẽ gây ra sự bức xúc cho người dân.
|
Hải Nam
>> Khảo sát chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện
>> Chậm đóng BHXH bị phạt 75 triệu đồng: Có đủ răn đe ?
>> Khả năng chi trả BHXH của Việt Nam ở mức đáng quan ngại
>> Công an phối hợp chống hành vi vi phạm về BHXH
>> Tăng 9,6% lương hưu, trợ cấp BHXH
>> Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện
Nguồn: thanhnien.vn