Ký hợp đồng với cục thuế để thu BHXH
Chiều 4.10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và tình hình quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2018.
Trình bày báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, theo số liệu hiện nay có 610.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tuy nhiên, cơ quan BHXH chỉ mới quản lý thu được 327.000 DN, nghĩa là còn 283.000 DN chưa đóng BHXH. Ông Dung cho hay ở Trung Quốc, nếu DN không đóng BHXH thì đầu tiên là phạt tiền, sau đó nếu tiếp tục không chấp hành thì Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lập tức phong tỏa tài sản các DN này. “Kinh nghiệm của Trung Quốc rất tốt, ta phải học hỏi”, ông Dung nhấn mạnh.
Ông Dung đề nghị chuyển toàn bộ danh sách những DN này sang phối hợp với cục thuế để thu vì thu được thuế thì sẽ thu được bảo hiểm. “Có thể ký hợp đồng với các cục thuế, cần thiết thì hỗ trợ chi phí. Bởi vì thuế không thể trốn được. Thu thuế được thì thu được bảo hiểm”, ông Dung đề xuất và cho rằng, cần phải tập trung xử lý nếu không sẽ ngày càng khó khăn và chồng chất chuyện nợ BHXH.
Sẽ khoanh nợ BHXH không còn khả năng thu hồi?
Liên quan nợ BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, cho biết tổng số nợ phải tính lãi năm 2018 lên tới 5.349 tỉ đồng, trong đó các DN ngoài quốc doanh chiếm tới 67%. Bên cạnh đó, số nợ khó thu do DN phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn là 2.505 tỉ đồng. Từ đó, ông Lợi đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu có đề xuất phù hợp để xử lý tiền BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ của các loại DN này.
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để giải quyết thì phải sửa ít nhất 4 luật, còn chưa sửa luật thì phải có nghị quyết của Quốc hội (QH).
Đáp lại, ông Lợi cho rằng nếu đợi sửa 4 luật thì quá lâu và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH phải có được số liệu cụ thể về số DN nợ BHXH không có khả năng trả để ghi được vào nghị quyết kỳ họp trong tháng 10 này. “Chúng ta giải quyết ở đây một vài ngàn tỉ không là cái gì, nhưng với hàng ngàn người lao động thì rất khó khăn vì họ không có lương hưu và cũng không chốt được sổ để tham gia BHXH mới”, ông Lợi phân tích và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH sớm có tham mưu để Chính phủ báo cáo với QH.
Tiếp tục giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về việc khoanh nợ BHXH đối với nợ không có khả năng trả, sau phiên họp, Bộ LĐ-TB-XH sẽ mời các cơ quan chức năng để bàn thêm về cách thức xử lý. Nếu xử lý được và QH có thể ra nghị quyết thì Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ có báo cáo, làm rõ và đề nghị QH ra nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 vào cuối tháng 10 này.
Trong phần kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH Nguyễn Thúy Anh cho biết hiện QH đang xem xét ban hành nghị quyết xóa nợ thuế đối với những khoản nợ không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, nợ BHXH khác thuế, vì thuế liên quan tới ngân sách còn tiền BHXH liên quan tới quyền lợi của người lao động, do đó phải có cách xử lý khác. Bà Thúy Anh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ cách xử lý và có báo cáo với Ủy ban Thường vụ QH và QH.
Không có chuyện vì bắt bớ mà cho là vỡ quỹBáo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng kết dư quỹ BHXH đến hết năm 2018 là 630.622 tỉ đồng, tăng 92.444 tỉ đồng, tương ứng 17,18%, so với năm 2017.
Về việc đầu tư Quỹ BHXH, tổng số dư nợ đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế đến cuối năm 2018 đạt 727.805 tỉ đồng. “Không có chuyện quỹ khó khăn đâu. Không phải vì chuyện bắt bớ, xử lý một vài ngàn tỉ mà ảnh hưởng đến quỹ và cho là vỡ quỹ đâu”, ông Dung nhấn mạnh.
|
Nguồn: thanhnien.vn